Hôm nay (ngày 12/12), hàng loạt trang thương mại điện tử đã tung ra các sản phẩm giảm giá để thu hút khách hàng. Trước đó, những sự kiện mua sắm như các ngày 9/9, 10/11, 11/11 và gần đây nhất là Black Friday đã lần lượt thiết lập các kỷ lục mới cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Chỉ với một thiết bị thông minh hay chiếc máy tính cá nhân có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể dễ dàng "săn" được những món đồ giảm giá tới 70%, thậm chí 90%... mà bình thường khó có thể có được. Trong những ngày này, các trang thương mại điện tử "đắt hàng như tôm tươi".
"Săn" hàng trên các trang thương mại điện tử trong những đợt giảm giá cuối năm là cách mà nhiều người dùng để mua sắm. Tăng trưởng về doanh số được ghi nhận là nhanh hơn cả trong dịch COVID-19. Không chỉ các trang thương mại điện tử, những đơn vị chuyển phát nhanh cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm cho các dịp tăng đột biến như thế này. Và thời gian giao hàng đã được tính toán để rút ngắn cho khách hàng, thay vì từ 1 - 2 ngày nay chỉ mất vài tiếng đồng hồ.
Thông thường, trong mỗi dịp giảm giá cuối năm, các sàn thương mại điện tử sẽ áp dụng chiến dịch giảm giá sớm từ trước đó 1 - 2 tuần để thu hút khách hàng lựa chọn trước sản phẩm cho vào giỏ hàng, thu thập mã giảm giá, voucher. Các sàn thương mại điện tử cho biết, dự báo tăng trưởng năm nay có thể sẽ hơn 40% so với những năm trước.
Nhiều trường hợp lợi dụng để tung ra những chiêu trò trục lợi, đẩy hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. (Ảnh: Dân trí)
Có thể thấy, việc các nền tảng thương mại điện tử đua nhau chạy nhiều chương trình ưu đãi lớn vào các dịp mua sắm như thế này và quyết không bỏ qua bất cứ người dùng nào cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có một thực tế là những vấn đề như nâng giá để khuyến mãi ảo hay chất lượng hàng hóa không như quảng cáo thì năm nào cũng xảy ra và luôn bị người tiêu dùng phản ánh. Thậm chí, dù mua hàng giảm giá nhưng sau khi tìm hiểu, nhiều người mới biết là họ phải trả nhiều tiền hơn lúc chưa giảm.
Trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò giảm giá ảo để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng. Có ý kiến cho rằng, chiến dịch giảm giá cuối năm chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ thu hồi vốn hoặc tăng doanh số, và đây cũng là lúc nhập nhèm giá cả cũng như mẫu mã.
Bên cạnh những sản phẩm chất lượng, cơ sở kinh doanh khuyến mãi thật sự cho khách hàng, vẫn còn những trường hợp lợi dụng dịp này để tung ra những chiêu trò trục lợi, đẩy hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.
Dịp cuối năm, hàng triệu người đang háo hức "săn' hàng giảm giá từ các chương trình khuyến mãi khủng. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã tung ra hàng loạt những cạm bẫy nhằm kiếm lợi bất chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!