Hà Nội xây dựng lộ trình tái thiết lại cây xanh

PV-Chủ nhật, ngày 22/09/2024 15:15 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội có kế hoạch sẽ trồng bổ sung cây xanh gãy đổ, rà soát lựa chọn chủng loại cây xanh đô thị phù hợp với điều kiện hạ tầng thành phố.

Cơn bão số 3 qua đi, đã để lại nhiều thiệt hại về người và của. Tình trạng cây xanh gãy đổ diễn ra ở hầu hết những nơi bão Yagi càn quét. Tại thủ đô Hà Nội, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia, giảng viên và sinh viên Đại học Lâm nghiệp để thống kê, phân loại và đưa ra giải pháp hiệu quả trong việc xử lý tình trạng cây xanh gãy đổ tại thành phố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lâm nghiệp thì cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng khi lựa chọn các loại cây có thể cứu sống, và việc khảo sát lại chất lượng đất trồng cũng cần được ưu tiên, chứ không đơn giản là chỉ cần trồng lại tại chỗ, lấp đất hay cắt tỉa cành...

Chỉ khi bão lũ đi qua thì người dân mới thấy được sự yếu ớt và mong manh của những chiếc cây đã gắn bó cùng mình qua bao năm tháng. Theo các chuyên gia, cây gãy đổ trong bão lũ cũng là dịp giúp thanh loại tự nhiên các cây yếu, cành khô, mục ruỗng. Nhưng cũng là lúc để nhìn lại và cân nhắc các loại cây và kĩ thuật trồng có đang phù hợp với đô thị hay không.

Có thể thấy, đa số cây bị gãy độ bật gốc như phượng vĩ, lim sẹt với những bộ rễ cọc rất kém phát triển. Đa số cây bị các công trình ngầm, cấp thoát nước và đường đô thị xâm chiếm khiến cây không còn đất để phát triển nữa.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, nhiều cây không có rễ cọc nên dễ gãy đổ, tác động của gió vào tán lá rộng nên khiến cây dễ dàng đổ hơn. Có thể thấy, đa số trường hợp khi chọn cây trồng không quan tâm đến rễ mà chỉ chọn trên sách vở, cần chọn cây có tính bền vững thì sẽ làm cho đô thị an toàn và phát triển hơn.

Mức 18m2 diện tích cây xanh bình quân đầu người là mục tiêu Hà Nội hướng đến tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, ước tính chi phí ngân sách có thể lên tới 1565 tỉ đồng/1 năm. Do vậy việc phục hồi hay trồng mới các loại cây cũng cần được tính toán kĩ lưỡng.

Ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Xây dựng phải thống nhất các vị trí trồng lại cây. Lý do bật gốc rễ có rất nhiều yếu tố gây ra, ví dụ như không gian và điều kiện sinh trưởng của cây chưa đáp ứng. Sở Xây dựng sẽ rà soát và báo cáo lại các vị trí trồng lại đủ điều kiện theo đúng quy trình

Về kế hoạch trồng mới và trồng bổ sung cây xanh gãy đổ, hiện tại thành phố đang tiếp tục rà soát để lựa chọn chủng loại cây xanh đô thị phù hợp với điều kiện hạ tầng của đường phố Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước