Hà Nội: Vành đai 3 quá tải, nguy cơ trở thành "bãi đỗ xe trên cao" trong nhiều giờ

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 15/09/2022 20:56 GMT+7

VTV.vn - Vành đai 3 vốn là để giải toả áp lực quá tải và giảm ùn tắc cho các tuyến đường vành đai 1, 2 nhưng tới thời điểm hiện tại, nó luôn ùn tắc.

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Khi hoàn thành, 7 vành đai này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô.

Những năm qua, nhiều tuyến đường tại Hà Nội hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình đồng bộ và từng bước hoàn thiện này, ùn tắc giao thông vẫn đang là nỗi nhức nhối của Hà Nội.

Phải mất hơn 30 phút để 1 xe có thể di chuyển từ phía dưới đường Trần Duy Hưng để lên được vành đai 3. Nhưng lên được vành đai 3 rồi, các xe tiếp tục nối đuôi nhau, xếp hàng chờ di chuyển một cách rất chậm chạp. Vành đai 3 được xây dựng từ 2010, được khai thác từng phần theo từng giai đoạn và tới năm 2020 đã khép kín được toàn tuyến. Vành đai 3 vốn là để giải tỏa áp lực quá tải và giảm ùn tắc cho các tuyến đường vành đai 1, 2 nhưng tới thời điểm hiện tại, nó luôn ùn tắc bởi mỗi ngày có tới trên 50.000 lượt phương tiện qua lại.

Hà Nội: Vành đai 3 quá tải, nguy cơ trở thành bãi đỗ xe trên cao trong nhiều giờ - Ảnh 1.

Vành đai 3 chật cứng các phương tiện

Hình ảnh những hàng xe ô tô kiên nhẫn chầm chậm nối đuôi nhau chờ tới lượt để bò lên vành đai 3 nhiều năm qua không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Và khi lên được tới vành đai 3 rồi, xe cũng không thể đi nhanh hơn. Chỉ khoảng 5-10km/h thay vì tốc độ cho phép tối đa theo thiết kế chuẩn cao tốc là 80km/h. Ùn tắc trên vành đai 3 có thể xảy ra bất cứ giờ nào trong ngày. Và chỉ một va chạm nhẹ, cũng đủ để biến nó trở thành "bãi đỗ xe trên cao" trong nhiều giờ.

10 năm qua, vành đai 3 đã cõng gấp 2,5 lần lưu lượng thiết kế. Bên cạnh đó, nó cũng phải gánh thêm lưu lượng xe vãng lai từ các tỉnh thành lân cận. TP Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều giải pháp, kể cả điều hướng phân luồng từ xa, cấm hoặc hạn chế xe trọng tải lớn đi vào vành đai 3 theo giờ. Nhưng bao năm qua, đó cũng chỉ là các biện pháp giải quyết tình thế.

Đây là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô. Ngoài vành đai 3 đã khép kín toàn tuyến, các vành đai đã và đang hiện hữu là 1-2, 2,5 3,5… ngoài những đoạn chưa được xây dựng, đang xây dựng dở dang hoặc đình trệ với nhiều vướng mắc ra, những đoạn đã đưa vào khai thác cũng luôn trong cảnh ùn tắc.

Hiện tốc độ tăng trưởng phương tiện xe cơ giới được các chuyên gia giao thông tính toán khoảng 12%/năm. Năm ngoái, cả Hà Nội có 61.000 xe ô tô được đăng ký mới. Còn từ đầu năm tới nay, trung bình mỗi tháng có khoảng trên 6.900 xe ô tô đăng ký mới. Chỉ làm một phép tính đơn giản có thể thấy ngay là mỗi ngày có khoảng 1.000 chiếc xe ô tô mới ra đường hòa vào dòng xe cộ trên khắp các tuyến đường của Hà Nội. Và tới thời điểm này, Toàn thành phố có khoảng 750.000 ô tô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội. Đủ để thấy áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông Thủ đô ra sao.

Đúng là các tuyến vành đai hiện hữu của Hà Nội đang quá tải. Còn tuyến vành đai 4, mới đây đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư, đồng thời yêu cầu 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1 năm sau; triển khai khởi công xây dựng trước 30/6 năm sau. Cơ bản hoàn thành 70% vào 2026, và đưa vào khai thác năm 2027.

Xây dựng vành đai 4 còn là nhiệm vụ cấp bách, bởi nó được kỳ vọng sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là "lối thoát" cho ùn tắc giao thông của Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước