Lần đầu tiên, một giải pháp chống ô nhiễm không khí đã được luật hóa. Điều 28 của Luật Thủ đô đã quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp, các biện pháp được áp dụng trong vùng phát thải thấp theo lộ trình phù hợp. Mới đây, dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một văn bản hướng dẫn thi hành xây dựng vùng phát thải thấp đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân thông qua cổng thông tin. Vùng phát thải thấp là mô hình hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam, lại có tác động lớn đến các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy.
Tại Hà Nội, 1.100.000 mô tô, xe gắn máy và 72,58% xe gắn máy này đã sử dụng trên 10 năm
"Khái niệm vùng phát thải thấp được thể hiện rõ tại Khoản 6, Điều 3 của Luật Thủ đô, là khu vực để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cho người dân", bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết.
Bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết một số vấn đề liên quan đến vùng phát thải thấp
Theo bà Lê Thanh Thủy, khái niệm về vùng phát thải thấp trong Luật Thủ đô không đề cập đến việc cấm hẳn một loại phương tiện nào mà chỉ nhấn mạnh vào việc hạn chế các phương tiện gây phát thải ra môi trường. Theo các nghiên cứu mới nhất, nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí của thành phố, bao gồm cả bụi đường và khí thải. Trong đó, lượng phát thải bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) chủ yếu đến từ xe tải chạy dầu diesel và xe máy, với VOC từ xe máy chiếm đến 90%. Các vùng được xác định là vùng phát thải thấp đang áp dụng các giải pháp giao thông bền vững, giao thông xanh nhằm giảm thiểu phát thải từ phương tiện giao thông.
"Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Hội đồng nhân dân vào tháng 12/2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng của mình để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp. Sau đó, các cấp có thẩm quyền như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ngành khác, đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất", bà Lê Thanh Thủy cho biết thêm.
Vùng phát thải thấp tiếng Anh gọi là Low Emission Zone, là khái niệm không còn mới mẻ trên thế giới. Khu vực này được bắt đầu xây dựng ở Thụy Điển vào năm 1996, nhằm hạn chế các xe tải hạng nặng chạy dầu diesel. Sau đó, mở rộng ra các nhóm phương tiện khác cùng với một số các biện pháp để có thể hạn chế những phương tiện cá nhân. Theo sau Thụy Điển, các khu vực phát triển phát thải thấp đã được triển khai tại một số thành phố ở Đức, Hà Lan, Bắc Italia cũng như ở thành phố London trong khoảng năm 2007 – 2008. Kể từ đó, số lượng vùng phát thải thấp không ngừng tăng lên và hiện tồn tại ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu. Đến nay, vùng phát thải thấp đã được triển khai ở khoảng 320 thành phố của châu Âu và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 507 thành phố vào năm 2025.
Từ tháng 8 năm 2023, tại thành phố London của Anh, ô tô cũ gây ô nhiễm sẽ bị tính chi phí hàng ngày khoảng là từ 12,5 bảng, tương đương với khoảng 400.000 nghìn đồng khi đi vào khu vực phát thải cực thấp
Còn ở khu vực châu Á, thủ đô các nước và các thành phố cũng đã và đang triển khai vùng phát thải thấp như ở Bắc Kinh, Tây Ninh, Ngạc Châu của Trung Quốc, Seoul của Hàn Quốc và Jakarta của Indonesia. Bên cạnh những giá trị về môi trường, tiết kiệm chi phí chữa trị bệnh tật do ô nhiễm không khí, vùng phát thải thấp còn gây chú ý với việc là thu phí đối với các phương tiện đi vào đây.
Nhiều thủ đô và thành phố của các nước ở khu vực châu Á cũng đã và đang triển khai vùng phát thải thấp
"Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ rằng người gây ô nhiễm phải trả tiền. Do đó, việc các phương tiện phát thải gây ô nhiễm không khí trong thành phố nhưng không bị thu phí là điều đi ngược lại với luật. Theo thông lệ quốc tế, số tiền thu từ phí này sẽ được sử dụng để phục hồi môi trường cho thành phố, tạo nên sự công bằng cho cộng đồng. Thứ hai, việc thu phí này cần phải xét đến các điều kiện và tác động về kinh tế, xã hội của thủ đô cũng như đặc điểm của từng địa bàn", bà Lê Thanh Thủy khẳng định.
Cũng theo bà Lê Thanh Thủy, Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra các khuyến khích nhằm giúp người dân tiếp cận với phương tiện thân thiện với môi trường và các phương tiện xanh. Theo khung chính sách này, thành phố Hà Nội cũng sẽ tuân thủ quy định và xây dựng các chính sách, trong đó doanh nghiệp có vai trò và trách nhiệm trong việc phối hợp với chính quyền và hỗ trợ người dân trong lộ trình chuyển đổi.
Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra các khuyến khích giúp người dân tiếp cận với phương tiện thân thiện với môi trường và các phương tiện xanh
Để vùng phát thải thấp có thể đi vào thực tế, thành phố Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải áp dụng cho xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và cũng chưa có hạ tầng cơ sở kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông đang lưu hành. Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội cũng chưa đầy đủ, vì vậy chưa có số liệu kiểm kê phát thải, cập nhật và thường kỳ, đặc biệt là từ nguồn phát thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.
"Hiện nay, Hà Nội chưa có chính sách kiểm định xe máy cho gần 7 triệu xe đang lưu hành, mặc dù đã có chính sách kiểm định ô tô. Hy vọng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình lên Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt, tạo cơ hội kiểm soát khí thải từ xe máy. Một số thách thức khác như hoàn thiện hệ thống quan trắc phát thải và giám sát phương tiện giao thông, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, cũng nằm trong khả năng kiểm soát của thành phố", bà Lê Thanh Thủy bày tỏ.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, đến hết tháng 4 năm 2024, Hà Nội có trên 8.000.000 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 1.100.000 mô tô, xe gắn máy và 72,58% xe gắn máy này đã sử dụng trên 10 năm. Vấn đề ô nhiễm không khí do giao thông là rất bức thiết và cần phải giải quyết. Vì vậy, việc thực hiện một chủ trương hoàn toàn mới như vùng phát thải thấp, rất cần có sự đóng góp ý kiến của người dân và các đơn vị liên quan. Quan trọng nhất chính là tinh thần xây dựng để cùng chung tay giải quyết vấn đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!