Cụ thể, từ nay đến ngày 17/6, tổ công tác liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì sẽ đi kiểm tra khoảng 20 huyện, thị xã để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đây là cơ sở để đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi, qua đó góp phần cải thiện chất lượng không khí thành phố.
Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) vẫn diễn ra. (Ảnh: Hà Nội mới)
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ vào cuối năm 2020. Thực hiện mục tiêu này, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, xây dựng mô hình trồng nấm rơm... Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Để cải thiện tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tổ công tác liên ngành đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; tổ chức ký cam kết tới từng hộ sản xuất lúa; hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, như: Kết nối với doanh nghiệp trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!