Hà Nội: Hướng đến mục tiêu 95% người dân được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 06/08/2021 18:32 GMT+7

VTV.vn - Thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người nhằm thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Hà Nội, "tiêm vaccine" trở thành chủ đề được nhiều người dân Thủ đô cũng như cả nước quan tâm. Nhiều người từ chỗ còn e dè, nghe ngóng, thậm chí có ý lựa chọn loại vaccine thì nay người dân thành phố đã bày tỏ mong mỏi được tiêm vaccine để cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Vaccine và ý thức giúp người lao động yên tâm làm việc

Là người dân Thanh Hóa làm việc tại Hà Nội gần 10 năm, anh Lê Văn Tuấn (sinh năm 1982, trú tại phường Khâm Thiên, Đống Đa) cho biết, từ nửa tháng nay mỗi khi bố mẹ ở quê gọi điện lên đều hỏi về tình hình dịch COVID-19 và hỏi con đã tiêm vaccine chưa, rồi nhắc nhở nhớ đăng ký tiêm vaccine sớm.

Trước sự nhắc nhở của người thân cũng như nhận thức được tác dụng của vaccine trong ngăn ngừa dịch COVID-19, anh Tuấn đã đăng ký tiêm online trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi đăng ký thành công, khoảng 1 tuần sau anh nhận được thông báo mời đến nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức để tiêm vaccine.

Bà Trương Thị Lê Hiền, 56 tuổi, ở B6, tập thể Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ, ngay sau khi thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, phường đã dán thông báo và hướng dẫn cụ thể đến từng khu nhà tập thể để người dân nắm rõ tất cả những thông tin về đối tượng, độ tuổi, cách đăng ký. Bà Hiền bộc bạch, dịch rất phức tạp, tôi cũng như những người dân trong khu tập thể đều mong mỏi được tiêm vaccine. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng trả tiền để được tiêm sớm. Khi biết sẽ được tiêm miễn phí, chúng tôi rất phấn khởi và xúc động trước chính sách nhân văn của Nhà nước.

Sống trên núi cao xã Ba Vì, anh Triệu Tiến Long (dân tộc Dao) hàng ngày ngoài công việc nhà nông anh còn đi hái thuốc trong rừng, ít giao tiếp với người ngoài gia đình để phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, trước sự nguy hại của dịch COVID-19 anh cũng như nhiều đồng bào ở đây đều mong muốn sớm được tiêm vaccine để bảo vệ mình và cộng đồng.

Theo quy định của Chính phủ, một số lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, Tổ phòng, chống COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên); lực lượng Quân đội, Công an… sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Công nhân Phạm Xuân Quý, Tổ môi trường số 2, Chi nhánh Đống Đa - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cách đây hơn một tháng đã được tiêm vaccine. Đến nay đã có gần 70% công nhân của Công ty URENCO được tiêm vaccine. Những công nhân chưa được tiêm là do đang chờ vaccine và số ít người có bệnh lý nền chưa đủ điều kiện để tiêm.

Hà Nội: Hướng đến mục tiêu 95% người dân được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 - Ảnh 1.

Khu vực chờ tiêm tại Bệnh viện Hữu Nghị được bố trí giãn cách theo quy định.

Xây dựng "kịch bản" tiêm cho 95% đối tượng

Công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp là lực lượng quan trọng để thực hiện thành công "mục tiêu kép" nên thời gian qua Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao. Đến đầu tháng 8/2021, đã có khoảng hơn 6.000 công nhân, người lao động ở Hà Nội được tiêm vaccine, trong đó nhiều người đã hoàn thành tiêm cả 2 mũi vaccine.

Có thể thấy, việc tiêm vaccine cho công nhân giúp người lao động cảm thấy yên tâm khi tới làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy, nơi tập trung đông lao động. Nhờ vaccine và ý thức phòng chống dịch nên nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động an toàn, tạo việc làm và thu nhập cho ổn định cho người lao động.

Theo UBND thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2022, thành phố sẽ tổ chức tiêm vaccine cho đối tượng 2 là người dân từ 18-65 tuổi không thuộc nhóm đối tượng 1 nêu trên. Mục tiêu đề ra là có 95% đối tượng nguy cơ và người dân trên địa bàn Thủ đô được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng COVID-19.

Để đáp ứng, thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người nhằm thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. "Toàn bộ dây chuyền phải đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các dây chuyền này cần có "kịch bản" tổ chức tiêm chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; đồng thời triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng", UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo.

Nhìn lại cách làm của Hà Nội trong thời gian qua có thể thấy không có sự lúng túng trong triển khai tiêm vaccine. Nhiều quận, huyện đã sáng tạo ra những mô hình hay. Như tại quận Đống Đa, chính quyền địa phương đã huy động nhà thi đấu để tiêm vaccine. Quân Đống Đa đã chỉ đạo lực lượng y tế, dân phòng, công an, thanh niên tình nguyện tận tình hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình khám sàng lọc, kiểm soát thân nhiệt, đo huyết áp... trước khi tiêm, đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Phía bên trong nhà thi đấu, lực lượng chức năng đã lắp vách ngăn chia theo từng bàn, từng ô, giúp ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19 trong quá trình tiêm...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước