Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thu Hoài-Thứ tư, ngày 25/09/2024 14:30 GMT+7

VTV.vn - Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Thời gian vừa qua thành phố Hà Nội cũng đã tích cực triển khai các mô hình khuyến nông ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Gieo mạ khay, cấy máy

Một trong những ứng dụng khoa học, công nghệ đạt hiệu quả cao trong việc sản xuất đó là mô hình sản xuất mạ khay cấy lúa bằng máy. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội trong vụ Xuân 2024, diện tích gieo cấy lúa áp dụng mạ khay, cấy máy trên địa bàn thành phố đạt khoảng 14%. Mô hình này đã triển khai tại các huyện như: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì……

Ông Nguyễn Văn Nam xã Đồng Quang - huyện Quốc Oai chia sẻ: "Vụ Xuân vừa qua, gia đình tôi đã áp dụng mô hình dây chuyền gieo mạ khay, cấy máy trên giống lúa Đài Thơm 8 thì thấy mạ được gieo đúng khoảng cách, lượng giống sử dụng giảm hơn, ruộng lúa thông thoáng, bộ rễ phát triển mạnh và hấp thụ dinh dưỡng tốt, hạn chế sâu bệnh. Cây lúa phát triển đồng đều, ít bị sâu bệnh. Năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống trên 10%”.

Dự tính trong hai năm 2024 - 2025, TP Hà Nội sẽ chi khoảng 37 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện mua 201 máy cấy. Trong đó, năm 2024 là 89 máy (hơn 16,5 tỷ đồng) và năm 2025 là 112 máy (gần 20,6 tỷ đồng).

Khi người dân ứng dụng mô hình này sẽ tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí lao động. đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Nấm tươi sò trắng là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng

Hợp tác xã Nấm Nguyên Hùng (huyện Chương Mỹ) là một trong những đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm. Theo ông Nguyễn Văn Hùng chủ trang trại cho biết: "Nấm của đơn vị được trồng trong môi trường sản xuất ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả trong quá trình đóng gói sản phẩm. Đây là một hướng đi, một xu thế tất yếu để mang lại hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng nên sản phẩm của HTX được khách hàng ưa chuộng và tín nhiệm".

Thực tế triển khai cho thấy các mô hình đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố. Nhiều giống cây con được lai tạo, chọn lựa bằng công nghệ hiện đại, phương pháp, quy trình kỹ thuật mới đưa vào sản xuất đại trà trên quy mô lớn, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng của nông phẩm của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, để việc ứng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phát huy hiệu quả hơn nữa cần đặc biệt quan tâm phát triển giống cây trồng mới, đẩy mạnh ứng dụng đầu tư cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại vùng ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nghề cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực trồng trọt. Tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều người dân, khi được hỏi, đều thừa nhận đây là một hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế và sự thay đổi lớn lao nếu so với cách làm nông nghiệp trước kia.

Trang tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước