Các tỉnh duyên hải miền Trung có đường bờ biển dài gần 2.000 km. Mấy năm gần đây, nhiều Làng chài có nguy cơ biến mất. Bãi biển bị biến dạng. Còn với ngư dân, ngay lúc này, dù giữa mùa nắng ráo họ cũng phải bỏ nhà, chạy biển để lánh nạn.
Những cư dân Phường Cẩm An, TP. Hội An, Quảng Nam, vội vàng thu dọn vật dụng để tìm nơi lánh nạn. Họ không thể chịu thêm nữa cảnh bất an khi mà ngôi nhà đang ngấp nghé miệng tử thần.
Tránh bão trong mùa mưa thì chuyện thường tình, nhưng giữa mùa nắng ráo mà tính chuyện thoát thân là điều chưa từng có với người dân.
Miền Trung đang là những ngày trời yên biển lặng. Thế nhưng với làng Thịnh Mỹ thì không. Sau Tết đến nay, vài căn nhà đổ sập xuống biển. Vừa đi lánh nạn trở về, ông Nguyễn Văn Phụng bất lực nhìn gia sản một đời làm lụng tan theo bọt biển.
Cách làng Thịnh Mỹ khoảng 5km, sạt lở bờ biển ở vùng biển Duy Xuyên càng trầm trọng hơn. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thế - người có nhiều năm nghiên cứu sạt lở bờ biển miền Trung, trở đi trở lại nhiều lần vùng biển này để tìm kiếm giải pháp.
Theo ông, có vẻ như tốc độ xâm thực biển nhanh hơn những tính toán trong các phương án của cơ quan chức năng. Ngoài nguyên nhân gia tăng về đô thị hóa thì cần phải xem xét nguyên nhân từ việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tác động trực tiếp đến quá trình thủy động lực học, làm giảm lượng bùn cát cung cấp cho các bãi biển.
Hơn 3.200 km bờ biển của 28 tỉnh, thành cả nước đang đối mặt với tình trạng sạt lở gia tăng. Riêng 120 km bờ biển Quảng Nam có đến hàng chục km bị sạt lở nghiêm trọng. Kè chỗ này, biển xâm thực chỗ khác. Đây chẳng khác gì cuộc rượt đuổi giữa con người và sóng biển. Trong khi chờ đợi những giải pháp đồng bộ, hàng ngày, người dân luôn nơm nớp nỗi lo… chạy biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!