Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Ngay trước mắt, với khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cảnh báo giông gió có nguy cơ cao xảy ra từ chiều tối 25/4 sang ngày kia và chiều tối ngày 28 sang ngày 29/4.
Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có nguy cơ cao xảy ra vào chiều tối các ngày từ 28/4 đến mùng 1/5.
Khu vực Đà Nẵng tới Bình Thuận dự báo cũng có mưa giông về chiều tối 2 ngày cuối tháng nhưng nguy cơ xuất hiện gió giật, giông lốc nhận định sẽ ở mức trung bình.
Sở dĩ giông lốc ở hai đầu đất nước có xác suất xảy ra cao hơn các khu vực khác trong tháng 4 này là bởi các khu vực này đang trong giai đoạn giao mùa.
Hà Tĩnh trở ra Bắc Bộ vẫn có các đợt gió lạnh tràn về, trên nền nóng ẩm, khiến bầu khí quyển dễ bị xáo trộn. Còn ở Tây nguyên và Nam Bộ là do gió Tây Nam bắt đầu xuất hiện, đưa ẩm vào trên nền nhiệt cao, cũng tạo đà cho mây giông phát triển mạnh.
Giông gió ở đô thị mạnh hơn và nhiều hơn
Không chỉ vùng núi, nơi có địa hình không bằng phẳng, mà những năm gần đây, các thành phố lớn có nhiều khu đô thị, nhà cao tầng cũng là địa điểm giông lốc xuất hiện với sức tàn phá ngày càng gia tăng, ngoài sức tưởng tượng của con người. Thử nghiệm đo gió cách đây ít hôm giữa các nhà cao tầng sẽ chứng mình điều này.
Cùng vào 1 ngày có thời tiết tốt, tốc độ gió ghi nhận được trong khoảng 10 phút ở giữa các tòa nhà cao tầng đều lớn hơn 3m/s, tương đương với cấp 2 trong thang đo gió Beaufort. Trong khi đó, ở khu vực ít nhà cao tầng, gió lại yếu hơn hẳn, chỉ khoảng 0,08m/s, tức là trời gần như lặng gió.
Gió ở các tòa cao tầng không chỉ mạnh hơn mà còn tạo thành gió xoáy có thể gây nguy hiểm cho con người. Gió càng nguy hiểm hơn trong các trận siêu giông, trong bão hay trong các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về.
Xét ở quy mô lớn hơn là các thành phố có nhiều khu đô thị, tần suất xảy ra gió lốc cũng ngày càng nhiều lên.
Nguyên nhân nào khiến giông lốc ở đô thị ngày càng mạnh và nhiều?
Đô thị hóa quá nhanh là một trong những nguyên nhân khiến mưa giông mạnh hơn và hay xảy ra hơn ở các thành phố lớn. Bởi nơi có nhiều nhà cao tầng, nhiều bề mặt bê tông, đường nhựa, thì thường nóng hơn khu vực xung quanh. Khi mây giông di chuyển tới đây, gặp nền nhiệt cao hơn như vậy, sẽ phát triển mạnh thêm, dễ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, sấm sét và gió lốc. Chúng ta cần hết sức chú ý phòng chống vì ngay tuần tới mưa giông dự báo sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực trên cả nước.
Khi giông gió càng mạnh hơn ở đô thị, cây xanh ngã đổ là vấn đề đáng lo ngại nhất. Nhiều chủng loại cây đang được trồng ở các đô thị như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước... lại có nguy cơ cao bị gãy, đổ. Bởi đây là những loại cây có tính hướng quang lớn, thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng. Mỗi khi giông gió quét qua dễ khiến cây bị đổ về phía đường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Trồng cây phù hợp để phòng chống giông lốc
Không thể chỉ vì sợ ngã đổ mà loại bỏ tất cả cây xanh. Trồng cây xanh vẫn là một trong những giải pháp tốt nhất để điều hòa bầu không khí và làm giảm mức độ cực đoan của các hiện tượng như giông gió ở đô thị. Vậy loại cây nào sẽ là phù hợp với khí hậu, lại chống chịu được với mưa bão?
Ông Nguyễn Lân Hùng (Hội các ngành sinh học Việt Nam) cho biết: "Cây xanh đô thị không cần quá cao và lá xanh quanh năm thì tốt".
TS, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Viện Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho hay: "Đối với Hà Nội, chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá rằng cây xanh là yếu tố bản sắc, góp phần tạo nên quỹ phong phú cho Hà Nội. Nó cũng là điểm để nhìn ra phong trào trồng cây, trồng xong lại chặt, chặt xong lại trồng".
Cần có sự nghiên cứu, sau đó là thử nghiệm, trước khi đưa ra trồng ồ ạt để tránh lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!