Hơn 9 năm dạy đàn trên Youtube, Bội Ngọc đã tạo nên một thư viện bài giảng với gần 400 clip hướng dẫn cách đánh đàn Piano. Thế nhưng gần đây, Ngọc bị "đánh gậy" bản quyền 3 video và mất cả 3 kênh Youtube đã thực hiện cách đây 9 năm với gần 400 video.
Buồn, sốc và không khỏi hoang mang bởi đây không chỉ là nơi để Ngọc thỏa mãn đam mê dạy đàn mà còn có biết bao kỷ niệm, nơi để hàng nghìn người từ khắp mọi nơi có thể học và biết chơi đàn. Mỗi video hướng dẫn đều tự tay Ngọc thực hiện, edit, đăng tải, mất từ 5-8 ngày mới hoàn thành.
"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mình mà trong tương lai sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy âm nhạc. Học đàn miễn phí còn cấm cảng như vậy thì tương lai nền âm nhạc có phát triển được hay không?" - Bội Ngọc (tỉnh Khánh Hòa) nói.
May mắn hơn chị Ngọc khi vẫn còn giữ được kênh của mình, nhưng anh Nguyễn Văn Tiến cũng không khỏi lo lắng khi chỉ một lần bị đánh dấu vi phạm nữa, kênh dạy nhạc Tiến Nguyễn Guitar của anh sẽ mất đi. Cũng là nhạc sĩ, theo anh, các kênh dạy nhạc bị rà soát bản quyền gắt gao thời gian gần đây do các nhạc sĩ bắt đầu ủy quyền cho các công ty thứ ba bảo hộ bản quyền nhiều hơn.
Anh Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: "Khi bị đánh bản quyền nặng thì những người sáng tạo như tụi mình cảm thấy sợ. Mình sợ luật không rõ ràng".
Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của nước ta có quy định: "Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân" nằm trong "Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao". Chính các luật sư cũng không ngừng tranh cãi về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!