Tại tỉnh Quảng Nam, đường vào xã bị cô lập cuối cùng là xã Phước Lộc đã được thông tuyến cách đây vài ngày. Tuy nhiên, không phải như thế nghĩa là việc đi lại đã hoàn toàn dễ dàng.
Dù đã thông tuyến, việc đi lại vẫn không hề đơn giản.
Tuyến giao thông ĐH 1 nối 2 xã Phước Thành và Phước Lộc gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Chỉ trên cung đường chưa đầy 10 km mà đã có đến 20 điểm sạt lở, gây mất luôn đường dài từ 500 - 1.000 m.
Hệ thống cầu cống trên tuyến đường này cũng đã bị lũ ống cuốn trôi. Hiện để nối giao thông các đơn vị cứu đường đã ghải phóng tuyến mới. Dọc theo tuyến đường này, nhiều làng bản của đồng bào B'Nông với hàng chục ngôi nhà cũng đã bị sạt lở núi vùi lấp, xóa trắng.
Sạt lở xóa trắng cả một ngôi làng.
Tại thôn Tư, trung tâm xã Phước Thành, lũ ống cũng đã cuốn trôi 22 ngôi nhà dân sống dọc theo Khe nước Mắt. Làng cũ sum vầy mới tháng trước đây thôi, giờ chỉ còn là một bãi đá. Dấu tích của làng giờ chỉ còn một bức tường sót lại. Tài sản tích góp bao đời qua đã bị vùi sâu dưới hàng chục m3 đất đá.
Cùng với những ngôi làng, nhiều trường học cũng đã bị lũ tàn phá nghiêm trọng nên gần một tháng đã qua nhưng học sinh vẫn chưa thể đi học. Tuy nhiên, điều cấp thiết nhất và cũng đáng lo nhất hiện nay là đảm bảo giao thông đi lại, bởi mưa lũ có thể gây sạt lở, chia cắt lại bất cứ lúc nào.
Nhiều điểm sạt lở gây khó khăn cho việc lưu thông.
Do thiệt hại quá lớn nên hiện nay, ngoài kinh phí của tỉnh, Quảng Nam đang lập hồ sơ gởi các bộ ngành liên quan và Chính phủ kêu gọi sự giúp đỡ. Tỉnh Quảng Nam cũng đã lên phương án di dân và quy hoạch những khu định cư bền vững, đặc biệt là những đối sách liên quan đến biến đổi khí hậu và tái thiết rừng tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!