Giao mùa cần chủ động phòng bệnh hô hấp do phế cầu khuẩn

Phú Tiến-Thứ ba, ngày 07/11/2023 19:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện vaccine là 1 trong 6 công cụ hữu hiệu của ngành y học dự phòng để chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Vaccine mang lại lợi ích to lớn cả về sức khỏe và tài chính

Tại buổi Tọa đàm "Phòng ngừa các bệnh nguy hiểm bằng vaccine" PGS.TS Cao Hữu Nghĩa, Trưởng bộ môn Khoa học Y sinh - Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, vaccine có bề dày lịch sử rất lâu đời, cho đến nay đã trải qua trên 220 năm hình thành và phát triển. Sự xuất hiện của vaccine được xem là một thành tựu Y học vĩ đại của loài người.

Theo PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, chính vì lợi ích của vaccine mang lại cho con người là vô cùng to lớn về cả sức khỏe và tài chính, nên ngày nay chương trình chủ động phòng ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn đã được phổ cập và khuyến nghị ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Edward Jenner được xem là người chế tạo ra vaccine đầu tiên vào năm 1796, sau khi ông tiêm cho một cậu bé 13 tuổi bị nhiễm virus đậu bò và chứng minh khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa. Năm 1798, vaccine đậu mùa đầu tiên được phát triển. Tiếp theo sau đó là những cống hiến rực rỡ của Louis Pasteur cho ngành vaccine học. Kể từ khi vaccine ra đời, nhân loại đã thật sự có được một phương pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm như: cúm, virus, các bệnh do phế cầu khuẩn… giúp giảm được tỉ lệ mắc bệnh và tử vong.

Khi vaccine được làm ra, người sản xuất sẽ cố gắng chế tạo ra loại vaccine nào, có thể sử dụng được đại trà cho tất cả mọi người, cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Tùy thuộc vào gánh nặng dịch tễ, nguồn ngân sách, chính sách tiêm chủng của từng quốc gia sẽ quyết định chọn đối tượng để chủng ngừa. Các vaccine sử dụng cho trẻ nhỏ thường sẽ nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối với các vaccine không đủ nguồn lực để bao tiêu, thì chính phủ sẽ khuyến cáo nên dự phòng và chủng ngừa ngoài chương trình quốc gia để tăng độ phủ. Thông thường, loại vaccine nào, có thể sử dụng cho tất cả mọi người, tất cả mọi nhà thì vaccine đó sẽ có giá trị trong việc ngăn chặn bệnh và đại dịch.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, khi điều chế vaccine, người ta sẽ tính toán đến gánh nặng của bệnh tật của một nhóm người nào đó trước thì sẽ ưu tiên, sau đó sẽ mở rộng ra. Do đó, có những vaccine ban đầu chế ra cho trẻ em, sau đó cho người lớn và ngược lại. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, khi lớn lên bệnh có giảm đi (không mắc bệnh nhiều hoặc bệnh rất nhẹ), nhưng như vậy sẽ nguy hiểm hơn là không giảm vì làm cho người lớn nghĩ là mình không mắc bệnh hoặc là người lành mang trùng và đây lại là yếu tố lây ngược lại cho trẻ em. Chính yếu tố này, người ta nghĩ đến phải bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa được chủng ngừa. Vì vậy, người lớn phải được phòng ngừa.

Mùa lạnh nên phòng bệnh viêm phổi do phế cầu cho trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính…

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Đây là một trong những chương trình mục tiêu sức khỏe quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. Nhằm góp phần giảm thiểu tác hại và gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm cho trẻ em ở nước ta. Hướng tới làm giảm 2/3 số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990. Được bắt đầu từ năm 1981 và trải qua hơn 25 năm triển khai có hệ thống, chương trình TCMR ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

"Trẻ em đã bớt bệnh đi một cách ngoạn mục, ví dụ như bây giờ mà tìm một em bé bị ho gà hoặc là sốt bại liệt là không có hoặc các trẻ bị viêm màng não do HIV gần như biến mất luôn... Đây là những điều quan trọng của chương trình TCMR, bởi vì bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được", PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa chia sẻ.

Theo PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, vaccine - bệnh truyền nhiễm và hiệu quả của nó, đứng về gốc độ quản lý, người ta thấy rằng, vaccine đã kéo giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong rất nhiều. Ngoài bệnh bạch hầu còn có nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng chính bằng vaccine đã biến các ca ấy trở thành bệnh truyền nhiễm, nhưng hiếm gặp trên lâm sàng. Nhưng điều kiện phát triển, môi trường thay đổi, hệ miễn dịch cũng bị thay đổi theo dòng thời gian, có thể giảm xuống hay mất đi hiệu quả của một vài tác nhân phòng bệnh, yêu cầu phải duy trì và tiếp tục chương trình TCMR sao để đến một lúc nào đó có thể loại trừ các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine giống như đã loại trừ như đậu mùa, uốn ván sơ sinh hay sự biến mất của đậu mùa trong lịch sử.

Chủng ngừa là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất từ trước đến nay, có thể giúp ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Ngày nay trẻ em không chỉ được bảo vệ phòng chống các bệnh đã có vaccine từ nhiều năm như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, lao mà còn được phòng ngừa các bệnh khác như viêm phổi và tiêu chảy do rotavirus là hai trong số những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Hơn nữa, ngày nay trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn có thể được bảo vệ chống lại các bệnh đe dọa tính mạng như cúm, phế cầu khuẩn, viêm màng não... nhờ các vaccine mới, hiện đại hơn.

Mặc dù thành công, nhưng trên thế giới vẫn còn 1 trong 5 trẻ bỏ lỡ cơ hội được chủng ngừa. Năm 2012 ước tính có khoảng 22,6 triệu trẻ em không được tiếp cận với các dịch vụ chủng ngừa. Sự thiếu kiến thức về chủng ngừa là một trong những lý do chính tại sao người lớn lại chọn không chủng ngừa cho chính mình hoặc cho con cái của họ. Hiệu quả chỉ có thể phát huy tốt nhất khi được sử dụng đúng chỉ định, đúng thời điểm và đủ liều. Chẳng hạn, bây giờ thời tiết giao mùa, lạnh thì trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền có hệ miễn dịch kém nên phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn. Đặc biệt là bệnh viêm phổi. Bởi một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em và người già trên 65 tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu là do nhiễm khuẩn phế cầu… Tuân thủ các nguyên tắc chủ động phòng ngừa bệnh, sẽ mang lại hiệu quả cao nhất cho mục tiêu phòng bệnh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước