Giao hàng phải có dấu hiệu nhận diện ở TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL bắt đầu kiểm soát tốt dịch bệnh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/08/2021 20:34 GMT+7

VTV.vn - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp bàn về tình hình dịch bệnh, trong khi diễn biến dịch ở miền Nam có những tín hiệu tích cực.

TP Hồ Chí Minh họp về tình hình dịch COVID-19: Giao hàng phải có dấu hiệu nhận diện theo quy định

Từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngừng hoạt động của lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) tại TP Thủ Đức và các quận huyện 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Các quận còn lại chỉ được phép giao hàng trong nội quận và phải có dấu hiệu nhận diện theo quy định. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo trong chiều 21/8 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố.

Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, để thực hiện triệt để giãn cách xã hội, thành phố đã cho thành lập các tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn do UBND phường, xã quản lý. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân trong việc thực hiện giãn cách, đi chợ thay người dân, thực hiện an sinh xã hội, duy trì bảo vệ "vùng xanh". Tất cả cơ quan, ban, ngành thực hiện "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" với tối đa 1/4 số lượng lao động đi làm. Các trường hợp được ra đường phải thực hiện nghiêm theo quy định của thành phố.

TP Hồ Chí Minh sẽ xét nghiệm toàn bộ hộ dân trong "vùng đỏ", trong đó bổ sung thêm nhân viên siêu thị, nhân viên bán thuốc tây, nhân viên dịch vụ công ích, các lực lượng trực chốt, cửa hàng xăng dầu với thời hạn 7 ngày/lần; đẩy mạnh tiêm vaccine và chăm sóc tốt các F0 đang cách ly tại nhà thông qua hơn 400 tổ y tế lưu động.

Về vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, đây là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố trong sáng 21/8.

Dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương

Cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bình Dương vẫn đang cam go. Số ca mắc liên tục tăng cao, lên tới hàng nghìn trường hợp mỗi ngày. Đáng chú ý, từ ngày 20/8, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận số ca mắc cao nhất cả nước. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 của tỉnh ở mức trên 3%, đây là con số đáng lo ngại.

Kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bình Dương, toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc. Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch, tỉnh đã kịp thời đưa ra đối sách theo phương châm linh hoạt, chủ động, làm tới đâu chắc tới đó. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, số ca mắc vẫn tăng nhanh mỗi ngày.

Hiện bức tranh dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bình Dương đang có những tín hiệu tích cực. Tỉnh đang đi đúng hướng khi thực hiện chiến lược khoanh chặt "vùng đỏ", truy vết trên diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để mở rộng "vùng xanh", nâng cao năng lực điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong. Tuy nhiên, chiến lược mà tỉnh nỗ lực thực hiện chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả người dân.

Giao hàng phải có dấu hiệu nhận diện ở TP Hồ Chí Minh, ĐBSCL bắt đầu kiểm soát tốt dịch bệnh - Ảnh 1.

Hiện tỉnh Bình Dương ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc mới mỗi ngày. (Ảnh: Dân trí)

ĐBSCL nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Sau khi triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL bắt đầu kiểm soát tốt hơn tình hình. Tín hiệu tích cực là số ca mắc có xu hướng giảm.

Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang đồng loạt tổ chức xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 trên diện rộng trong cộng đồng đợt 2. Tỉnh Hậu Giang phấn đấu, sau khi hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, đến ngày 23/8 đảm bảo bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, đến ngày 25/8 sẽ kiểm soát được dịch bệnh toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Tại thành phố Cần Thơ, sau khi kết thúc chiến dịch tách F0 ra khỏi cộng đồng, các địa phương đã thiết lập "vùng xanh - vùng không có dịch". Tại các chốt bảo vệ này, người dân chỉ được ra ngoài khi đến ngày mua thực phẩm, đi làm tại cơ quan công sở (có giấy tờ chứng minh), người lạ không được phép vào khu vực có chốt bảo vệ mà chỉ giao nhận hàng tại chốt. Trong ngày 20/8, Cần Thơ đã ghi nhận 82 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 3.637 người.

Ở vùng cực Nam của Tổ quốc, tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định nới lỏng nhiều hoạt động từ 0h ngày 21/8. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại, nhưng mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m. Hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, giải trí không quá 10 người tại một địa điểm vào một thời điểm.

Riêng tại tỉnh An Giang, sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19, tỉnh này quyết định, từ 0h ngày 20/8, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành và địa phương thực hiện làm việc tại nhà, trừ lực lượng công an, quân sự và y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Chỉ cho phép trưởng hoặc phó trưởng cơ quan, đơn vị đến cơ quan để giải quyết công việc. Phấn đấu đến ngày 25/8, toàn tỉnh sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Quân đội, công an, sinh viên chung tay chống dịch

Sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh thành phía Nam để tham gia điều trị, vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân là tinh thần của lực lượng quân đội với nhân dân, công an, sinh viên..., không quản ngại khó khăn, gian khổ trước những diễn biến cam go của dịch bệnh.

Hiện quân đội đã huy động gần 4.000 y bác sĩ quân y tăng cường cho công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngày 21/8, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Học viện Quân y đã tổ chức lễ xuất quân tăng cường 300 y, bác sĩ, học viên quân y lên đường với tinh thần hết lòng vì miền Nam ruột thịt.

Lực lượng quân đội đã lập các đội công tác đặc biệt cùng với cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… đảm bảo chăm sóc y tế, cung ứng hàng hóa, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân, "không bỏ sót bất cứ ai", nhất là người khó khăn, không có điều kiện, làm sao để người dân an tâm ở nhà đảm bảo "ai ở đâu ở yên đó", sớm chiến thắng dịch bệnh.

Cùng ngày, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về việc huy động tổng lực phòng chống dịch COVID-19, một số đơn vị trực thuộc Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân, tăng cường cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh.

Chỉ sau 24 giờ kêu gọi, 1.500 sinh viên Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã xung phong tham gia công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Chiều tối 21/8, 250 sinh viên và giảng viên của trường đã lên đường, số còn lại sẽ tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh trong những ngày tới.

Bệnh viện Bạch Mai hiện còn đang được giao điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến 16, nơi điều trị tích cực đối với các bệnh nhân nặng. Bệnh viện có gần 3.000 giường bệnh, trong đó có 500 giường phục vụ cho hồi sức tích cực.

Người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô đi mua thực phẩm, xếp hàng dài mua đồ Người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô đi mua thực phẩm, xếp hàng dài mua đồ Người dân 11 phường 'vùng đỏ đậm đặc F0' ở Bình Dương không ra khỏi nhà trong 15 ngày Người dân 11 phường "vùng đỏ đậm đặc F0" ở Bình Dương không ra khỏi nhà trong 15 ngày Gần 200 cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch Gần 200 cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước