Một số nghiên cứu chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đang hằn sâu thêm tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu và bạo hành với nữ giới có chiều hướng gia tăng. Có thể thấy những nỗ lực đẩy mạnh bình đẳng giới cần tiếp tục được thúc đẩy, thậm chí ngay từ lứa tuổi tiền tiểu học. Từ 3 năm qua, một dự án giáo dục đã được triển khai tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum nhằm hỗ trợ các trường mầm non xây dựng môi trường học tập có đáp ứng giới, bằng hình thức học thông qua chơi, giúp trẻ hình thành lòng tự tôn, tự trọng, phát triển nhân cách và xây dựng các mối quan hệ tích cực.
Bé trai chơi ở góc xây dựng, chơi ô tô, đá bóng, mạnh mẽ, không được khóc, còn bé gái chơi bán hàng, búp bê, múa, nhẹ nhàng, nũng nịu…. Những khuôn mẫu giới này tồn tại phổ biến ngay từ trong các trường mầm non.
Đây là một trong những kết quả nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ (VVOB) thực hiện. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, cả giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ đều cần hỗ trợ để nhận diện và loại bỏ những khuôn mẫu giới tiêu cực trong quá trình nuôi dạy và giáo dục trẻ.
Một giờ học tại trường mầm non
Trong 3 năm qua, 195 trường mầm non đã áp dụng học thông qua chơi có đáp ứng giới. Nhờ đó, hơn 3.000 cán bộ quản lý và giáo viên được hướng dẫn, giúp hơn 40.000 trẻ mầm non hưởng lợi từ dự án. Cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn, tham quan học tập, tham gia các hội thảo để chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và phát triển chuyên môn.
Việc tạo ra một môi trường có đáp ứng giới trong giáo dục trẻ từ những năm đầu đời cần nhiều nỗ lực của cả cán bộ quản lý và giáo viên, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Kết quả mang lại giúp cả trẻ trai và trẻ gái tự do thể hiện tính cách, sở thích, và phát huy tính sáng tạo. Nhờ đó, giúp các em phát triển tối đa tiềm năng của bản thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!