Gian nan đòi quyền lợi bảo hiểm

Nhóm phóng viên Thời sự-Thứ hai, ngày 04/11/2024 19:55 GMT+7

VTV.vn - Bỏ tiền mua bảo hiểm với mong muốn có được sự hỗ trợ nếu không may có rủi ro xảy ra nhưng trên thực tế, có phải tất cả đều như mong muốn của người mua bảo hiểm?

Khó khăn đòi quyền lợi bảo hiểm sau bão lụt

Sau cơn bão số 3, người ta nhắc nhiều đến lợi ích của bảo hiểm, giúp nông dân, doanh nghiệp có trợ lực kịp thời để vực dậy, nhưng việc các công ty bảo hiểm có vào cuộc như sự mong chờ của người dân và doanh nghiệp không lại là câu chuyện đáng bàn.

11.600 tỷ đồng là số tiền dự kiến ngành bảo hiểm phải chi trả do những thiệt hại sau cơn bão số 3 (Yagi). Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ Bộ Tài chính, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới chỉ tạm ứng tổng số tiền bồi thường là trên 108 tỷ đồng. 

Sau gần 2 tháng bão lụt đi qua, số tiền bồi thường bảo hiểm mà người dân và doanh nghiệp nhận được chưa đến 1% tổng số yêu cầu bồi thường. Không ít doanh nghiệp bị từ chối chi trả bảo hiểm do những câu chữ trong hợp đồng.

Chủ một doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt cho 2 nhà xưởng chế biến gỗ xuất khẩu với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Cơn bão số 3 đã khiến nhiều khu nhà xưởng và đường nội bộ của doanh nghiệp bị hư hỏng. Thế nhưng công ty bảo hiểm đã từ chối đền bù những thiệt hại này vì nó không nằm trong danh mục rủi ro đặc biệt do chính công ty bảo hiểm quy định.

"Khi mua bảo hiểm, các bạn kinh doanh nói rất nhiều những cái chúng tôi được bồi thường, rủi ro đặc biệt xảy ra bao gồm bão lũ, động đất nhưng khi tổn thất xảy ra lại có nhiều câu chữ để né tránh dẫn đến chúng tôi không được bồi thường bảo hiểm", bà Trần Thị Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Công ty Thương mại Nam Huy cho biết.

Gian nan đòi quyền lợi bảo hiểm - Ảnh 1.

Những gì còn sót lại của 2 nhà xưởng đã bị đổ sập hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, với khoảng hơn 200 tấn sắt thép, hơn 14.000 m2 tôn mái, tôn bao che.... không còn sử dụng được nữa, nhưng doanh nghiệp vẫn phải giữ lại tại hiện trường đã gần 2 tháng qua để có cơ sở làm việc với đơn vị bảo hiểm.

Người bán bảo hiểm cho doanh nghiệp đã nghỉ việc nên chị Hoa không thể liên hệ để thắc mắc về những cam kết, tư vấn trước đây. Hai khu nhà xưởng với hàng hóa, máy móc thiết bị trị giá cả chục tỷ đồng giờ chỉ là bãi đất trống. Doanh nghiệp còn phải mất thêm hàng trăm triệu đồng để thu gom, cất giữ… chờ thẩm định trực tiếp của công ty bảo hiểm.

Từ khi bão lụt xảy ra, đơn vị bảo hiểm cũng chưa một lần có mặt tại hiện trường mà chỉ thông qua bên thẩm định thứ ba. Còn nếu muốn bàn bạc hay hỏi thêm thông tin, chị Hoa chỉ có thể gửi Email hoặc gọi lên tổng đài để nhắn gửi những thắc mắc của mình.

Theo các luật sư, khi các bên có những mâu thuẫn hay sự khác nhau giữa tài liệu, giữa cách hiểu thì đã có những quy định trong Luật dân sự, Luật Bảo hiểm để tìm giải pháp thỏa đáng.

Hủy bảo hiểm vì quyền lợi không đảm bảo

Còn với lĩnh vực nhân thọ, là sản phẩm bảo hiểm được thiết kế với quyền lợi và điều khoản nhằm mục đích bảo vệ con người trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể, tính mạng. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 10 tháng đầu năm đã giảm gần 6,2%. Không những thế, thị trường bảo hiểm này còn phải đối mặt với tình trạng khách hàng hủy hợp đồng giữa chừng vì thấy quyền lợi không được đảm bảo như hứa hẹn.

Đóng phí 20 triệu mỗi năm cho gói bảo hiểm nhân thọ kèm gói chăm sóc sức khỏe, ngoài cam kết được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn hay tử vong, người phụ nữ còn được phát 1 thẻ bảo lãnh viện phí với cam kết, nằm viện sẽ không lo viện phí với mức chi trả lên đến 200 triệu đồng tiền nằm viện mỗi năm. Thế nhưng thực tế đã không như vậy.

"Bên phía bệnh viện có chấp nhận thẻ của tôi, tuy nhiên sau 8 ngày nằm viện, tôi đi thanh toán bằng thẻ đó thì nhân viên bệnh viện nói thẻ này của tôi không thanh toán được nữa, tôi có gọi bên bảo hiểm thì bên bảo hiểm có nói do tôi trễ hẹn đóng bảo hiểm mất 6 ngày, thế nên không thể giải quyết nghĩa vụ thanh toán cho tôi", người dân mua bảo hiểm nhân thọ cho hay.

Trễ lịch đóng 6 ngày sau thời gian gia hạn, tuy nhiên những thông báo không chuyển qua Email, không được gửi thư đến nhà, cũng không gọi điện cho khách hàng, mà chỉ thông báo qua tin nhắn. Nếu lỡ không để ý thì sẽ mất quyền lợi bảo hiểm. Còn nhân viên trực tiếp bán bảo hiểm cho khách hàng thì liên tục thay đổi nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không thông báo cho khách hàng.

"Tôi không hề biết nhân viên chăm sóc khách hàng của mình đã thay đổi, tôi không liên hệ được nữa, không biết liên hệ với ai cả, chỉ liên hệ theo đầu số tổng đài. Chỉ có năm đầu tiên là được quan tâm thôi, còn những năm về sau là thường xuyên không liên hệ được với tư vấn, có thắc mắc về bệnh lý có nằm trong danh mục được không cũng không được. Mình không tham gia mua nữa", một người dân cho biết.

Không tham gia đóng phí nữa thì người tham gia sẽ mất trắng số tiền phí đã đóng trong các năm trước. Còn với những trường hợp vô tình nộp phí thiếu, có khi chỉ là hơn 100.000 đồng như trường hợp người nhà chị Hằng thì việc không được chi trả bảo hiểm trong thời gian nằm viện là điều đã xảy ra.

Đáng nói, hợp đồng vô hiệu, không được nhận tiền đền bù, nhưng khoản tiền 11 triệu đồng phí đã đóng thì vẫn được công ty bảo hiểm hạch toán trong hệ thống để chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Chưa kịp khởi kiện thì người mua bảo hiểm đã mất. Việc tiếp tục đòi quyền lợi giờ được ủy quyền cho người thân. Nhưng hơn năm nay, vụ việc vẫn không có tiến triển gì mới.

Khách hàng bỏ ngang hợp đồng vì bị ép phải mua, hoặc mua rồi nhưng bỏ ngang do quá khó khăn để đòi được quyền lợi bảo hiểm. Ở chiều ngược lại, việc trục lợi bảo hiểm gây rúng động dư luận liên tiếp được ghi nhận với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Trục lợi bảo hiểm thời gian qua không chỉ từ người tham gia bảo hiểm, nhân viên y tế mà còn ở ngay trong hệ thống các doanh nghiệp bảo hiểm.

Lỗ hổng quản lý đại lý bảo hiểm

Không biết có thể rút được tiền từ bảo hiểm nhân thọ, và cũng không biết vì sao tài khoản bảo hiểm của mình bị mất tiền đó là tình trạng của 66 khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ AIA ở Thái Bình. Chỉ khi có người gọi xác minh về các khoản tiền đã bị rút trong tài khoản bảo hiểm, lúc này nhiều người mới tá hoả tiền bảo hiểm của mình đã bị chiếm đoạt.

Lợi dụng khách hàng tham gia bảo hiểm là những người lớn tuổi, không biết nhiều về việc sử dụng cũng như các thao tác cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đối tượng chiếm đoạt tiền bảo hiểm lại chính là đại lý bảo hiểm của AIA.

Việc các đại lý có thể dễ dàng kiểm soát tài khoản ứng dụng bảo hiểm và tài khoản ngân hàng của khách hàng hiện là vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý trong chính hệ thống của doanh nghiệp bảo hiểm.

Với hành vi truy cập bất hợp pháp vào tài khoản bảo hiểm và tài khoản ngân hàng, đối tượng là đại lý bảo hiểm của AIA đã dễ dàng chiếm đoạt tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng của 66 khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Chính sách chi trả hoa hồng cao bất thường trong năm đầu từ 40% - 70% đã tạo ra một văn hóa kinh doanh thiếu lành mạnh khi đội ngũ tư vấn viên và đại lý chạy theo lợi nhuận ngắn hạn thay vì giá trị cốt lõi là bảo vệ người tham gia bảo hiểm. 

Mặt khác, cũng cần phải thấy không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, hiện là thời điểm cần siết chặt kỷ cương thị trường, hoàn thiện chính sách để lấy lại niềm tin, qua đó người dân sẽ hiểu bản chất và tính nhân văn của hoạt động bảo hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước