Giảm thiểu rủi ro cho lao động thiếu việc làm

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/05/2023 20:09 GMT+7

VTV.vn - Nguy cơ thiếu việc làm được dự báo từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa các xưởng sản xuất và cắt giảm lao động.

Hơn 4.000 người lao động tại Công ty PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Theo kế hoạch, ngày 3/6 tới đây, công ty sẽ tiếp tục thoả thuận chấm dứt hợp đồng với hơn 1.200 lao động còn lại của đợt cắt giảm hơn 5.700 người, tức hơn 1/10 nhân lực của Công ty PouYuen Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp này đã thông báo tới cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh và người lao động từ rất sớm kế hoạch cắt giảm lao động bởi nguyên nhân là không có đơn hàng - không đủ việc làm cho đủ 50 nghìn lao động tại các nhà máy.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay đã ghi nhận tình hình đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn.

Nguy cơ thiếu việc làm được dự báo từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa các xưởng sản xuất và cắt giảm lao động. Những doanh nghiệp còn hoạt động đang cố gắng tổ chức sản xuất bình thường trong bối cảnh đơn hàng ít và việc làm thiếu.

Vào ca dù thiếu việc làm

Công nhân tại Tổng Công ty May Hưng Yên đều cảm nhận thời điểm hiện tại còn khó khăn hơn cuối năm trước, khi đó vẫn còn đơn hàng để làm, có lương, có thưởng tết. Còn hiện giờ, dù vẫn tăng ca nhưng thu nhập lại giảm vì tiền công thấp hơn năm trước.

Nếu như những năm trước, doanh nghiệp thường ký được đơn hàng cho 6 tháng tiếp theo thì năm nay, hầu hết doanh nghiệp chỉ có đơn hàng trong khoảng 2 -3 tháng hoặc từng tháng một. Không những thế đơn giá gia công cũng giảm.

Từ năm ngoái, ngành dệt may đã dần thích nghi với việc đơn hàng ít đi và sự cạnh tranh quốc tế dẫn tới giá giảm. Hiệp hội Dệt may đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các doanh nghiệp vẫn không cắt giảm lao động.

Tình trạng thiếu việc làm dự báo có thể kéo dài đến hết năm với 2 ngành da giày và dệt may, sản xuất đồ gỗ. Vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu rủi ro cho lao động khi bị thiếu và mất việc làm. Đó là cần những chính sách hỗ trợ chủ động và toàn diện về cả an sinh và việc làm, chứ không phải những giải pháp tình thế.

Xây dựng chính sách hỗ trợ chủ động và toàn diện

94 căn phòng trọ của gia đình chị Nguyễn Ngọc Trằm, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đã trở thành điểm tựa của công nhân lao động như vợ chồng anh Châu Văn Cường.

Những hỗ trợ nghĩa tình như thế này không khó để có thể tìm thấy tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng rõ ràng là nếu chỉ dựa vào tấm lòng và khả năng của những chủ trọ không thôi thì chưa đủ.

Cơ sở để xây dựng chính sách chính là đưa giá nhà trọ vốn chiếm từ 20 - 30% thu nhập của người lao động, trở thành một phần của chương tình bình ổn giá được TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công nhiều năm nay.

Ngay sau đại dịch COVID-19, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã có đề xuất gói hỗ trợ 100 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các chủ nhà trọ, những người hiện đang cung ứng chỗ ở cho gần 1 triệu công nhân lao động. Đây rất có thể sẽ là nền tảng của chính sách bình ổn giá nhà trọ, một điều mà chị Trằm thật sự mong muốn.

"Em rất vui vì thành phố đã hỗ trợ cho công nhân cũng như chủ nhà trọ để đời sống thoải mái hơn, đỡ khó khăn" - chị Trằm chia sẻ.

Hỗ trợ cho người lao động khi bị thiếu hay mất việc làm không đơn thuần là tìm việc làm mới cho họ mà cần phải thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực - bởi quá nhiều lao động phổ thông, tiền công thấp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi phụ thuộc vào các đơn hàng từ nước ngoài.

Có việc làm nhưng thu nhập giảm là tình trạng của các nhà máy đang hoạt động. Cầm cự và đảm bảo lao động đi làm 8 tiếng là cố gắng của doanh nghiệp vào thời điểm này.

Cố giữ lao động khi thu nhập giảm

Từ sau tết, khoảng 1.000 người tại Công ty TNHH Sao Vàng nghỉ việc và chuyển việc. Công ty này đã dồn lao động từ xưởng ở huyện khác về đây để tiết kiệm chi phí. Giờ này năm trước chạy 3 ca, còn bây giờ chỉ 8 tiếng.

Đơn hàng giảm nhiều, mỗi tháng thu nhập cũng giảm khoảng 3 triệu là tình cảnh với 6000 lao động đang làm việc tại đây.

Dù vậy, công ty cam kết đóng đầy đủ bảo hiểm và đảm bảo đúng phúc lợi với người lao động. Hơn 10 năm ở đây, chị Chồn hiểu rõ tình cảnh của công ty...

Doanh nghiệp này cho biết đã thích ứng với tình trạng đơn hàng giảm. Hiện, doanh nghiệp cân đối lại từng đơn hàng tại từng nhà máy để cân đối chia đều việc. Công nhân ở xưởng ít việc được bố trí xe đưa đón đi làm ở các xưởng có nhiều việc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước