“Đất vàng” nhưng không "đẻ ra vàng"
687,2 triệu đồng/m2 là giá 1m2 có trong bảng giá đất tại đường Lê Lợi, quận 1, TP Hồ Chí Minh và chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 11/2024. Ở một số tuyến đường khác như Lê Duẩn, Lê Lai, Lê Lợi... mức giá cũng hơn 400 triệu đồng/m2. Những con số cho thấy tấc đất, tấc vàng. Thế nhưng, cũng ở TP Hồ Chí Minh, tại quận 1, giá thị trường đang hơn 400 triệu đồng/m2 lại có nhiều khu "đất vàng" bị bỏ hoang đã rất nhiều năm.
Khu đất số 8 -12 Lê Duẩn, này có diện tích 5.290m2 nằm giữa trung tâm Thành phố có vị trí rất đẹp, 3 mặt tiền quay ra đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Chiêm. Theo đồ án quy hoạch phân khu, khu đất có chức năng quy hoạch sử dụng đất là đất văn phòng thế nhưng từ nhiều năm nay khu đất này đang bị rào tôn, nằm yên, bất động.
Theo bảng giá đất mới nhất do TP Hồ Chí Minh mới ban hành, giá đất phi nông nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố có mức lên đến 687 triệu đồng/m2 nhân với 5.290m2 thì khu đất "vàng" sở hữu vị trí đắc địa với 3 mặt tiền này là 3.634 tỷ đồng. Còn nếu tính theo giá thị trường thì không chỉ dừng ở con số hơn 3.600 tỷ đồng mà còn cao gấp nhiều lần. Đó là chưa kể tình trạng khai thác không hiệu quả đối với khu đất trong 20 năm qua khi cho các doanh nghiệp thuê làm trụ sở gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.
Không chỉ có khu đất số 8 -12 Lê Duẩn đang bị bỏ hoang, lãng phí mà trên địa bàn Quận 1, Trung tâm của TP Hồ Chí Minhđang có 14 khu đất cũng trong tình trạng rào tôn, nằm yên, bất động. Đa phần các khu đất này liên quan đến sai phạm hoặc chậm triển khai tuy nhiên tất cả đều có mẫu số chung là đất công.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: "Những tài sản không được đưa vào khai thác sử dụng, để hoang, để lãng phí thì tài sản đó không được vốn hóa, không trở thành nguồn lực phát triển cho chúng ta. Nếu tài sản đó được đưa vào sử dụng thì chắc chắn nhà nước có một cái nguồn thu ngân sách rất là đáng kể".
Theo các chuyên gia, đất đai là nguồn lực phát triển kinh tế. Song thời gian qua, các khu đất bỏ hoang, không được khai thác hiệu quả, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, cản trở cơ hội phát triển của thành phố trong khi thành phố đang có nhu cầu phát triển các dự án về đô thị, các công trình công ích, trung tâm thương mại, nhà ở và cơ sở hạ tầng rất cao.
Đại đô thị bỏ hoang
Không chỉ quận 1, TP. Hồ Chí Minh mà ngay trong khu đô thị "đất vàng" tại Thủ Thiêm cũng đang có một đại đô thị bỏ hoang. Dù đưa vào hoạt động gần 10 năm nhưng hàng nghìn căn hộ tại đây vẫn bị bỏ hoang, không có cư dân sinh sống. Nhiều lần TP thực hiện bán đấu giá cũng không ai mua. Nghịch lý đã tồn tại cả thập kỷ gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội.
Để giảm bớt sự lãng phí, từ năm 2018 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã 3 lần tổ chức đấu giá đối với các căn hộ tại khu tái định cư bỏ hoang. 3 lần, mỗi lần gần 4.000 căn hộ được đưa ra đấu giá trọn lô, giá khởi điểm đều hơn 9.000 tỷ đồng và thanh toán hết trong vòng 3 tháng sau đấu giá. Nhưng cả 3 cuộc đấu giá đều không có nhà đầu tư nào tham gia.
Trong khi để xây dựng khu tái định cư này, TP Hồ Chí Minh đã vay 12.000 tỷ đồng từ các quỹ tín dụng, với tiền lãi phát sinh vào khoảng 2,9 tỷ đồng/ngày. Nếu cộng cả chi phí tiền bảo trì, vệ sinh, thắp sáng thì số tiền tăng lên xấp xỉ 50 tỷ đồng/tháng. Lấy mốc từ năm 2015 đến nay, ngân sách thành phố có thể đã bị "bốc hơi" hơn gần 30.000 tỷ đồng. Trong khi vẫn chưa giải quyết được chỗ ở cho người dân mà còn gánh thêm các khoản lỗ vì đầu tư với số tiền lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 3.900 thửa đất bị bỏ hoang. Trong đó nhiều dự án kéo dài gần 1 thập kỷ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng sự lãng phí kéo dài này là do sự đùn đẩy, né trách trách nhiệm, sợ sai. Vậy làm thế nào để ngăn chặn thất thoát, lãng phí tài sản công khi chưa có luật xử lý?
Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng hàng loạt khu đô thị bị bỏ hoang, dự án chậm tiến độ không đưa vào sử dụng cũng diễn ở ở nhiều địa phương. Mới đây, Vĩnh Phúc vừa công khai danh sách 15 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn. Để gỡ các nút thắt này thì cần sự vào cuộc của các bên, chậm do thủ tục của cơ quan Nhà nước phải đẩy nhanh tiến độ; chậm do chủ đầu tư, trách nhiệm của các huyện, thị như giải phóng mặt bằng thì phải tìm các cơ chế để giải quyết. Làm sao để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!