Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả?

Ngọc Lan-Thứ năm, ngày 07/11/2024 15:14 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia khẳng định, việc phân loại rác tại nguồn đang được thực hiện thí điểm tại Hà Nội bước đầu giúp tăng cường hiệu quả trong xử lý và thu gom rác thải.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, các địa phương sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Từ 4 tháng qua, 5 quận bao gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Nam Từ Liêm của Hà Nội đã đồng loạt được chọn để thí điểm phân loại rác tại nguồn. Trong quá trình thử nghiệm này, các hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm và phố đi bộ, nơi mà lượng rác thải phát sinh rất lớn.

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả? - Ảnh 1.

Tại các khu vực trung tâm và phố đi bộ, lượng rác thải phát sinh rất lớn

"Để phân loại rác hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của người dân. Đầu tiên, cần hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật thu gom và phân loại rác. Tiếp theo, hạ tầng thu gom rác thải phải được cải thiện để hỗ trợ việc phân loại. Cuối cùng, cần có các chế tài về phân loại rác", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết.

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả? - Ảnh 2.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ về việc thực trạng phân loại và thu gom rác thải hiện nay

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, việc phân loại rác cần được thực hiện từ hộ gia đình, trường học, cơ quan cho đến nơi thu gom, tạo thành một hệ thống đồng bộ. Ví dụ, xe thu gom rác phân hủy sinh học có màu xanh, túi đựng và các thiết bị thu gom loại rác này cũng cần đồng nhất để dễ dàng phân biệt. Công tác tổ chức cần có sự liên kết từ phân loại tại nguồn, thu gom, tập kết, vận chuyển đến xử lý.

Trong thời gian qua, Việt Nam chưa thu hút được nhiều nguồn lực từ xã hội hay doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống này. Vì vậy, nên đưa ra tiêu chí và tổ chức đấu thầu để doanh nghiệp nào có năng lực sẽ đảm nhận, từ khâu phân loại đến thu gom, vận chuyển và xử lý.

"Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý. Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ, nếu đấu thầu công khai, doanh nghiệp nào đưa ra phương án khả thi sẽ được lựa chọn và thực hiện. Mức phí thu gom cũng áp dụng theo nguyên tắc "thải nhiều đóng phí nhiều" và phí thu được phải đủ để chi trả cho hoạt động thu gom của doanh nghiệp", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định.

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả? - Ảnh 3.

Rác thải dù được phân loại hay không, vẫn được vận chuyển chung vào một xe thu gom

Hiện Hà Nội đứng thứ hai cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh về phát thải rác sinh hoạt mỗi ngày là khoảng trên 7.000 tấn. Sau gần 20 năm, kể từ tháng 7 năm 2024, những người dân Hà Nội lại tiếp tục thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, lần này rác sinh hoạt hàng ngày được phân chia thành bốn loại, cách thức đổ rác, thu gom rác về cơ bản cũng không khác trước là mấy. Cùng với việc huy động sự tham gia tích cực của người dân còn phải khắc phục được những bất cập về phương tiện thu gom, vận chuyển rác, cả rác thải sinh hoạt cũng như là rác thải đường phố.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đề xuất, các cơ quan hay doanh nghiệp thu gom rác cần công bố lịch trình và địa điểm thu gom rộng rãi để người dân dễ dàng tuân theo. Nếu ai không đổ rác đúng giờ hoặc đúng nơi quy định, có thể áp dụng cơ chế giám sát và xử phạt rõ ràng. Chỉ cần một vài lần thực hiện nghiêm túc là người dân sẽ chấp hành. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Singapore, Nhật Bản, Mỹ trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải.

"Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành quy trình và định mức áp dụng cho hoạt động xử lý rác, gây khó khăn cho việc triển khai. Trong thời gian tới, quy trình, định mức và đơn giá cần sớm được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho địa phương và doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp cho công tác phân loại rác rõ ràng mà còn khuyến khích cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Cách đây gần 20 năm, Hà Nội từng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm phân loại rác. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa đầy đủ, mức sống thấp và nhận thức của người dân còn hạn chế nên mô hình này chưa thành công. Từ những bài học đó, có thể rút ra bài học kinh nghiệm là để phân loại rác hiệu quả, cần đảm bảo hai yếu tố: hạ tầng thu gom phải đồng bộ và đầu ra của rác thải đã phân loại phải rõ ràng", PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh cho biết thêm.

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả? - Ảnh 4.

Rác thải sinh hoạt thường xuyên được chất đống bên cạnh các cửa hàng ngay giữa phố ở các quận trung tâm của Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước phát sinh gần 68.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi ngày tỉ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỉ lệ chôn lấp lên tới trên 64%. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh còn làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để giảm tỷ lệ rác phải chôn lấp, phân loại tại nguồn là yêu cầu bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Thời gian qua, các địa phương đã từng bước thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai vào thực tế. 

Cụ thể, từ tháng 7 năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các địa phương đề nghị chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hầu hết các địa phương thí điểm và quy mô nhỏ, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm triển khai ở quy mô toàn tỉnh hoặc thành phố. Hiện nay, có hai mô hình phân loại là phân loại tại hộ gia đình, cá nhân và phân loại tại một địa điểm tập trung.

Hà Nội hiện có 23 phường trong số 759 xã, phường, thị trấn và 5 quận trong số 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện thực hiện thí điểm. Đồng Nai có 40 phường, xã trên 11 quận, huyện, thành phố. Hải Phòng, Lào Cai triển khai tại bốn đơn vị tương đương cấp huyện. Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương triển khai tại 2 - 3 thành phố, thị trấn. Hải Dương, Huế, Quảng Nam triển khai tại một đơn vị thành phố và Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng cũng đang thực hiện thí điểm.

Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn tại hiệu quả? - Ảnh 5.

Dù đã được tuyên tuyền nhưng một số người dân vẫn vứt rác ra đường

"Chỉ còn gần hai tháng nữa là hết năm. Để đạt 100% mục tiêu phân loại rác tại nguồn rất khó khả thi. Bởi ở nhiều địa phương, mới chỉ có một số quận, huyện được triển khai thí điểm, chứ chưa nhân rộng. Hiện nay, người dân đã biết tầm quan trọng của việc phân loại rác, nhưng lại thiếu sự chỉ đạo rõ ràng và cơ chế thực thi. Đây là vấn đề cần giải quyết một cách kiên quyết. Không có quốc gia văn minh nào lại để việc xử lý rác lại bị buông lỏng, bởi đây là nguồn lực vô cùng quan trọng. Rác thải phân loại đúng cách chính là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Chúng tôi đã điều tra và nhận thấy ở Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, sau khi triển khai phân loại rác, các loại vật liệu như nhựa, bìa carton hay sắt vẫn không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp và làng nghề", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Thống kê cho thấy, nếu như thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, sẽ chỉ còn khoảng 25 - 30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy và mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người. Theo kế hoạch, đến hết 31/12/2024, Hà Nội sẽ tổng kết thí điểm phân loại rác và có đánh giá để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn để việc phân loại rác tại nguồn thành công. Ý thức của mỗi người dân có vai trò rất quan trọng, nhưng đến thời điểm này có thể nói rằng vấn đề hạ tầng cho xử lý rác mới là điểm nghẽn lớn nhất. Nếu như không có giải pháp đột phá, rất khó đảm bảo lộ trình như Luật Bảo vệ môi trường đã đặt ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước