Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn "chặt chém"?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/02/2025 08:46 GMT+7

Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Việc xây dựng một môi trường du lịch lành mạnh đóng vai trò then chốt trong việc thu hút và giữ chân du khách, đồng thời nâng cao hình ảnh ngành du lịch Việt Nam.

"Chặt chém" là cụm từ không được phép xuất hiện trong ngành du lịch, nhưng đáng tiếc nó vẫn gắn liền với thực tế và liên tục bị nhắc đến. Những vụ việc du khách bị tính giá "trên trời" vẫn xuất hiện vào những dịp cao điểm. Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 – 130 triệu lượt khách nội địa. Nếu vấn nạn "chặt chém" vẫn tiếp tục tồn tại, mục tiêu trên sẽ khó có thể thực hiện.

Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn chặt chém? - Ảnh 1.

Một nhóm khách Trung Quốc khi đến một nhà hàng tại Nha Trang ăn uống đã bị nhà hàng tính với giá trên trời.

Một trường hợp gần đây đã gây xôn xao dư luận khi một nhà hàng tại Nha Trang bị phát hiện thu giá bất hợp lý đối với khách du lịch. Tối ngày 3/2, một nhóm khách Trung Quốc gồm 15 người bị tính giá cao ngất ngưởng cho các món ăn thông thường. Cụ thể, một phần cà tím nướng mỡ hành có giá lên đến 1.890.000 đồng, còn một đĩa rau muống xào tỏi bị tính 500.000 đồng. Không chỉ vậy, nhiều món ăn khác cũng có giá cao đến mức khó hiểu. Sau khi vụ việc bị phát giác, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xác định nhà hàng này có đến 5 hành vi vi phạm, trong đó có việc bán hàng cao hơn giá niêm yết. Hậu quả là nhà hàng này bị buộc phải đóng cửa và nộp phạt 96,5 triệu đồng. Dù đây chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó lại lan rộng.

"Việc "chặt chém" mang lại lợi nhuận rất cao cho những cá nhân kinh doanh không có lương tâm. Chính vì vậy, mức xử phạt trên vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa đủ mạnh để ngăn chặn những trường hợp khác có ý định vi phạm", ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá.

Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn chặt chém? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ về tình trạng "chặt chém" giá cả tại một số nhà hàng, địa điểm du lịch hiện nay tại Việt Nam.

Theo ông Hoan, trước đây, tình trạng "chặt chém" thường xảy ra ở các hàng rong hay taxi "dù", nhưng nay ngay cả những nhà hàng lớn cũng vi phạm. Việc TP Nha Trang xử phạt với 5 hành vi vi phạm, không chỉ riêng "chặt chém", cho thấy công tác quản lý của địa phương còn lỏng lẻo.

Căn cứ vào khoản 1, 2 và 3 Điều 25 của Nghị định 45/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, khách hàng khi bị "chặt chém" có thể liên hệ trình báo vụ việc với một trong các chủ thể sau: Thứ nhất là Chủ tịch UBND cấp xã, phường. Thứ hai là Chủ tịch UBND cấp huyện, quận, tỉnh. Thứ ba, Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuối cùng là quản lý thị trường.

Ông Hoan chia sẻ, mặc dù đã có quy định rõ ràng về các cơ quan tiếp nhận phản ánh khi du khách bị "chặt chém", nhưng kênh thông tin dành cho du khách vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc bị lên án đều xuất phát từ phản ánh trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận và chính quyền địa phương mới vào cuộc xử lý. Rất ít trường hợp du khách, nhất là du khách quốc tế, có thể trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để tố cáo hoặc khiếu nại. Đây là một hạn chế lớn trong công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi du khách.

Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn chặt chém? - Ảnh 3.

Nhiều vụ việc "chặt chém" du khách nổi cộm đến mức không chỉ du khách mà cả cộng đồng đều phản ứng gay gắt.

"Các kênh thông tin hiện tại như đường dây nóng hoặc trụ sở cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, cần có giải pháp linh hoạt hơn, giúp du khách phản ánh vi phạm một cách nhanh chóng và thuận tiện, đảm bảo các vụ việc được xử lý kịp thời", ông Hoan bày tỏ.

Cũng theo ông Hoan, hiện nay, công nghệ phát triển đã mở ra nhiều kênh tương tác để người dân có thể phản ánh với cơ quan chức năng. Trong lĩnh vực giao thông, đã có các ứng dụng cho phép người dân báo cáo vi phạm một cách dễ dàng. Vì vậy cần xây dựng một ứng dụng hỗ trợ du khách có thể tích hợp các chức năng quan trọng như: Hướng dẫn du khách về điểm đến, các dịch vụ đáng tin cậy, quyền lợi khi du lịch; Cho phép du khách gửi phản ánh về các hành vi gian lận; Minh bạch quá trình tiếp nhận và phản hồi khiếu nại.

Việc triển khai ứng dụng hỗ trợ du khách có thể thực hiện theo hai hướng: Ngành du lịch Việt Nam tổ chức phát triển một nền tảng thống nhất để phục vụ du khách trên toàn quốc hoặc chính quyền địa phương có thể xây dựng các ứng dụng riêng cho từng điểm đến.

Mặc dù vấn đề "chặt chém" trong du lịch được xem là vấn đề liên ngành, nhưng vai trò của chính quyền địa phương vẫn mang tính quyết định. Hiện nay, từ cấp tỉnh, huyện, đến phường, xã đều được quy định trách nhiệm cụ thể trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để thực thi hiệu quả vẫn là câu hỏi cần lời giải đáp.

Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn chặt chém? - Ảnh 4.

Trước phản ánh về quy định đi thuyền nào phải về thuyền đó dẫn đến việc chờ đợi không thoải mái khi đi lễ, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương thừa nhận bất cập đến từ cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

"Hiện nay, pháp luật đã có quy định đầy đủ và các địa phương đều có ban, ngành chức năng thực hiện xử lý các vi phạm liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tổ chức thực hiện hiệu quả. Cần phân công, phân cấp rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân để đảm bảo xử lý vi phạm triệt để. Bên cạnh đó, các quy định cần được rà soát, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tế thay vì chờ đợi đến kỳ kiểm tra cố định. Nếu có sự phân công rõ ràng và điều chỉnh kịp thời, chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết hiệu quả", ông Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Hoan, năm nay, lượng khách quốc tế và nội địa dự kiến tăng cao, đặc biệt khách quốc tế có thể tăng khoảng một phần ba. Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng một môi trường du lịch trong lành, đảm bảo hai yếu tố. Thứ nhất là một môi trường an toàn, chuyên nghiệp giúp thu hút khách mới và giữ chân khách cũ quay trở lại. Nếu hình ảnh xấu, du khách không chỉ rời đi mà còn ảnh hưởng đến quyết định của những người khác. Thứ hai, khi du khách cảm thấy an tâm, họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy doanh thu cho ngành du lịch. Ngược lại, nếu luôn lo lắng về chất lượng dịch vụ, họ sẽ hạn chế sử dụng các dịch vụ tại điểm đến.

Giải pháp nào giúp bảo vệ du khách trước nạn chặt chém? - Ảnh 5.

Năm nay, lượng khách quốc tế và nội địa dự kiến tăng cao.

"Để đạt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, cần triển khai đồng thời ba giải pháp chính. Thứ nhất, cần rà soát, điều chỉnh quy định pháp luật, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, cá nhân và địa phương trong công tác quản lý. Thứ hai, cần tăng cường phổ biến quy định pháp luật, khuyến khích cộng đồng kinh doanh tự giám sát, phản ánh và ngăn chặn hành vi tiêu cực để bảo vệ môi trường du lịch chung. Thứ ba, cần hướng dẫn du khách trang bị thông tin cần thiết, lựa chọn dịch vụ đúng đắn và phản ánh kịp thời các vi phạm để hạn chế hành vi tiêu cực trong du lịch", ông Hoan chia sẻ thêm.

Không phải là thiếu chế tài, mà quan trọng là phải có lực lượng thực thi nghiêm túc các quy định. Đây chính là yếu tố then chốt để giảm bớt các vi phạm, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Chừng nào còn kẽ hở trong quản lý, chừng đó vi phạm vẫn sẽ tiếp diễn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước