Trong chưa đầy 1 năm, tại Hà Nội đã xảy ra tới 2 vụ cháy nhà trọ nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Cách đây 8 tháng, vào đêm ngày 12/9/2023, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư mini trong ngõ 29 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Hà Nội. Đám cháy bắt đầu từ tầng 1 và nhanh chóng lan lên tầng 10 của tòa nhà, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Vụ cháy xảy ra vào gần nửa đêm, khi mọi người đang ngủ, khiến việc thoát hiểm trở nên khó khăn. Do chung cư nằm sâu trong ngõ, xe cứu hỏa phải đỗ ngoài phố Khương Hạ và dẫn vòi rồng vào trong. Lực lượng cứu hộ phải dùng thang dây, tiếp cận qua các ô thoáng để tìm kiếm và giải cứu nạn nhân.
Mới đây nhất, rạng sáng ngày 24/5, tại số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã xảy ra vụ cháy làm 14 người tử vong. Ngôi nhà bị cháy là nhà dân có cho thuê để ở, nằm trong ngõ nhỏ cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m.
Cả 2 vụ cháy ở tại Khương Hạ và Trung Kính đều xảy ra vào thời điểm tối muộn, khi người dân đi ngủ và dù đường phố vắng vẻ nhưng việc tiếp cận hiện trường của lực lượng chữa cháy lại rất khó vì đều là những ngôi nhà nằm sâu trong các ngõ nhỏ.
Hồi chuông cảnh báo về an toàn cháy nổ
Liên tiếp xảy ra các vụ cháy thương tâm với loại hình nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, làm dấy lên sự lo lắng của người dân về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý các loại hình nhà ở này. Đây cũng là vấn đề đang rất được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt khi kỳ họp này có nội dung xem xét để sửa đổi Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Theo ông Tạ Văn Hạ, đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Trước hết phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền địa phương trong việc rà soát, xem xét lại từ khâu quy hoạch, cấp phép cho đến khâu kiểm tra giám sát nhắc nhở. Xử lý những trường hợp vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy đối với các loại hình nhà ở, cũng như công tác phòng cháy chữa cháy chung. Thứ hai là trách nhiệm của chủ nhà, người sở hữu và quản lý các cơ sở đó. Cần phải thấy được trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và nghiêm túc trong việc xem lại trách nhiệm của mình đặc biệt là người đứng đầu".
Về vấn đề quản lý nhà cho thuê, nhà ở sản xuất kinh doanh, ông Hạ cũng chia sẻ: "Hiện nay loại hình nhà ở được sử dụng đa năng thì pháp luật không cấm. Trong bối cảnh hiện nay, thực trạng các thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, lượng công nhân và người lao động rất đông. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở chính sách, nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, loại hình về nhà ở này cũng phần nào giải quyết bớt phần nào khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, loại hình nhà ở này cũng phải được nghiên cứu một cách triệt để và thậm chí có những quy định cụ thể về công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới".
Giải pháp tăng cường phòng chống cháy nổ
Về các giải pháp tăng cường phòng chống cháy nổ, theo ông Hạ: "Trước hết, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cấp chính quyền. Các vụ cháy luôn tiềm ẩn, hiện hữu và có thể xảy ra bất kì lúc nào, nhưng mỗi khi xảy ra vụ việc thì mới cho rà soát, mới kiểm tra. Vì vậy, đầu tiên là rà soat các thực trạng của nhà vừa ở vừa kinh doanh để có những xử lý và khắc phục trong những trường hợp chưa đảm bảo được an toàn phòng cháy chữa cháy. Thứ hai, các cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương đưa ra phương án, giải pháp hiệu quả trong những tình huống không may xảy ra cháy nổ. Đặc biệt đối với những nhà ở trong ngõ nhỏ, ở xa nguồn nước. Thứ ba là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, của các cấp ủy chính quyền. Công tác kiểm tra giám sát phải được đặc biệt quan tâm, thường xuyên thực hiện để hướng dẫn và kiên quyết xử lý những trường hợp còn vi phạm. Và khi những tình huống cháy nổ xảy ra phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!