Đã có thâm niên nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách nhưng gần 1 tháng trước, doanh nghiệp này mới đăng ký vào bến hoạt động theo tuyến Thái Nguyên - Hà Nội.
Mặc dù đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực vận tải hành khách, nhưng một số doanh nghiệp mới đăng ký vào bến để hoạt động theo tuyến cố định như Thái Nguyên - Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Đầu tư bài bản cả về cơ sở hạ tầng, phương tiện và nhân viên phục vụ, lượng khách đã biết đến nhà xe nhưng để doanh nghiệp duy trì hoạt động cũng không dễ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Hà Lan, cho biết: "Tuyến Thái Nguyên - Hà Nội có đến 80% doanh nghiệp bỏ bến. Khi chúng tôi quay lại xây dựng lại thì gặp rất nhiều khó khăn".
Không chỉ chi phí cao, các bến xe hiện tại phần lớn chưa được đầu tư đúng mức. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho hành khách sử dụng dịch vụ bến xe còn nhiều hạn chế.
Bến xe khách Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục điểm yếu này trong đó có việc xây dựng hệ thống bán vé xe qua mạng. Ông Phạm Văn Thiện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vận tải Thái Nguyên, nhấn mạnh: "Ngày xưa chúng ta kết nối bằng vật lý, bây giờ chúng ta phải kết nối bằng công nghệ. Bến xe phải giải quyết việc kết nối giữa người dân tham gia giao thông với doanh nghiệp vận tải trên không gian mạng. Người ta có thể đặt mua vé trên web, không phải đến bến mới mua được vé nữa".
Cùng với việc đầu tư nâng cao tiện ích các bến xe, cần có cơ chế mới trong tổ chức hoạt động. Hiện nay, xe khách vẫn xuất bến theo giờ cố định trong ngày, gây ra tình trạng thiếu xe khi khách đông và dư thừa xe khi khách ít. Điều này làm giảm hiệu quả và sự hấp dẫn của việc vào bến đối với cả nhà xe và hành khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!