Giả thương hiệu sâm Ngọc Linh để đánh lừa người tiêu dùng

Truyền hình Công an nhân dân-Thứ hai, ngày 10/01/2022 07:58 GMT+7

VTV.vn - Trong những năm gần đây, có nhiều đối tượng buôn bán các loại sâm "mạo danh" sâm Ngọc Linh, trà trộn đánh lừa người tiêu dùng.

Sâm Ngọc Linh vốn được xem như là một loại thần dược quý hiếm và tốt cho sức khỏe. Loại sâm này sinh trưởng tự nhiên ở khu vực núi Ngọc Linh thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Do là thảo dược quý nên có giá rất cao và được rất nhiều người tiêu dùng tìm mua. 

Trên mạng xã hội, những quảng cáo bán sâm Ngọc Linh tràn lan với đủ nguồn gốc xuất xứ. Được biết đến là một loại sâm quý, không chỉ có giá trị cao về mặt dinh dưỡng mà còn có giá trị về mặt kinh tế. Do vậy, sâm Ngọc Linh cũng được nhiều địa phương nhân giống, trồng thâm canh. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nghiên cứu về sâm Ngọc Linh thì hiện tại sâm Ngọc Linh thật chỉ được trồng tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Nam Trà My (Quảng Nam).

''Qua quá trình nghiên cứu, tôi khẳng định vô cùng hiếm, vô cùng ít sâm Ngọc Linh thật trên thị trường", anh Phạm Dương Ngọc, người nghiên cứu sâm Ngọc Linh cho biết.

Sâm Ngọc Linh rất khó trồng và thời gian để sâm đạt chất lượng có hoạt tính lại rất lâu. Cụ thể, phải mất trên 6 năm và thường được bán với giá từ vài chục triệu cho tới hàng tỷ đồng/kg tùy thuộc vào độ tuổi của sâm. Chính vì lợi nhuận cao nên các đối tượng cũng thường trộn lẫn các loại sâm khác của Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Giả thương hiệu sâm Ngọc Linh để đánh lừa người tiêu dùng - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, sâm Ngọc Linh tự nhiên có nhiều mắt, các mắt sâm lõm vào thân và xếp so le nhau. Dùng dao cắt thân thành từng lát mỏng và quan sát bên trong thì thấy phần củ có màu vàng nhạt ,còn phần thân hơi tím. Khi đưa lên miệng nếm có vị đắng, dư vị về sau thì ngọt. Ngoài ra, vỏ sâm Ngọc Linh rất mỏng và nhẵn, nếu rửa sạch thì sẽ thấy có màu nâu vàng hoặc xanh xám.

Phương pháp thông thường hiện nay để phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả là test saponin có trong củ mẫu. Thế nhưng phương pháp này cũng không giải quyết triệt để được câu chuyện thật - giả vì saponin cũng có trong nhiều loại sâm khác nhau.

Để bảo vệ giá trị, thương hiệu Sâm Ngọc Linh và quyền lợi người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kiến nghị trong thời gian tới đề nghị Viện Dược liệu đầu tư phương tiện, máy móc hướng tới xét nghiệm DNA để xác định cây sâm Ngọc Linh thật giả. Người tiêu dùng chỉ nên mua sâm Ngọc Linh tại những nơi uy tín, đảm bảo chất lượng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước