Số lượng khách hàng Việt ưa thích lựa chọn mua sắm trực tuyến chiếm 50%, chủ yếu qua các sàn thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, theo kết quả báo cáo về Thị trường Thương mại điện tử của Kirin Capital năm nay.
Nhu cầu mua sắm tăng cao, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng ngày càng phải đối mặt với nhiều loại hình lừa đảo.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng về tình trạng lừa đảo trực tuyến.
Mới đây, chị Trà ở Hà Nội đặt mua hàng. Vì đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng đọc đúng món đồ chị mua và số tiền, nên chị yên tâm chuyển khoản. Ngay khi được chị chuyển khoản, đối tượng lừa đảo đã gọi điện thông báo gửi nhầm cho chị số tài khoản đăng ký trở thành của Hội Giao hàng tiết kiệm. Gửi tiền vào đó đồng nghĩa với việc chị đã đăng ký trở thành hội viên và sẽ tự động bị khấu trừ 3,5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, giới trẻ, nhân viên văn phòng, những người thường xuyên mua sắm trực tuyến trở thành mục tiêu lừa đảo.
Để hủy việc đăng ký, chị cần truy cập vào đường link và khai thông tin, nhưng khi khai thông tin xong, tài khoản của chị bị trừ 3,5 triệu đồng.
Theo thông tin từ cơ quan Công an, trước đây, nạn nhân của các vụ lừa đảo chủ yếu là người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay, cả giới trẻ, nhân viên văn phòng, những người thường xuyên mua sắm trực tuyến cũng trở thành mục tiêu. Trước kia, kẻ lừa đảo thường giả mạo thông tin đơn hàng và khẩn trương yêu cầu chuyển khoản. Ngày nay, chúng sử dụng các phương thức mua bán hoặc đánh cắp dữ liệu để thu thập thông tin chính xác, khiến nạn nhân không nghi ngờ gì. Mức độ nguy hiểm của tình trạng này đang ở mức báo động.
"Có khả năng trong quá trình quản lý hệ thống và nhân viên của mình, người bán hàng trực tuyến hoặc các đơn vị vận chuyển để xảy ra sơ hở, lỗ hổng để lộ lọt thông tin khách hàng", Trung tá Vũ Trọng Nghĩa (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho biết.
"Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ liệu có việc bắt tay mua bán dữ liệu hay không", ông Nguyễn Phú Lương (Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) nhận định.
Theo Bộ Công an, số lượng các vụ việc giả danh nhân viên giao hàng đang ngày càng gia tăng. Mặc dù đã có những vụ việc bị bắt giữ nhưng số ít là ở Việt Nam, còn đa phần các vụ việc đều có yếu tố nước ngoài, các đối tượng lừa đảo dùng SIM rác và số tài khoản rác để thực hiện hành vi lừa đảo nên rất khó bắt giữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!