Gia tăng tình trạng bạo lực với phụ nữ

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 29/11/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, vai trò của phụ nữ ngày càng tăng cao, quyền của phụ nữ cũng được quan tâm, đảm bảo, nhưng vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, thậm chí phức tạp hơn.

Mới đây, báo cáo do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm, cho thấy tình trạng phụ nữ bị giết hại do bạo lực gia đình đang lan rộng trên toàn cầu. Cứ 10 phút trôi qua lại có 1 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạn trai, người thân giết hại.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2023 thế giới ghi nhận 85.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết hại một cách có chủ ý. 60% trong số những vụ việc này, tức hơn 51.000 vụ, do bạn trai hoặc người thân trong gia đình gây ra. Dữ liệu cho thấy 140 phụ nữ và trẻ em gái thiệt mạng mỗi ngày do nguyên nhân trên.

"Châu Phi là khu vực có số lượng nạn nhân bạo lực giới cao nhất. Ước tính có hơn 21.000 phụ nữ bị bạn tình, người thân trong gia đình giết hại, chiếm tỷ lệ cao nhất xét về quy mô dân số. Xếp tiếp theo là châu Mỹ và châu Đại Dương", bà Delphine Schantz (Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và phòng chống tội phạm) cho biết.

Trước tình hình này, Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng những khuôn khổ luật pháp mạnh mẽ hơn, cải thiện việc thu thập dữ liệu, tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ, cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực giới và tăng nguồn tài trợ cho các tổ chức và cơ quan hoạt động nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ.

Gia tăng tình trạng bạo lực với phụ nữ - Ảnh 1.

Tình trạng phụ nữ bị giết hại do bạo lực gia đình đang lan rộng trên toàn cầu. Cứ 10 phút trôi qua lại có 1 phụ nữ hoặc trẻ em gái bị bạn trai, người thân giết hại. (Ảnh minh họa)

Liên hợp quốc nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết và khẩn trương hành động, tái cam kết và tập trung các nguồn lực cần thiết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

"Có thể phòng ngừa bạo lực nhằm vào phụ nữ bằng cách cung cấp các phương tiện can thiệp sớm. Các hệ thống cảnh báo sớm có thể hiệu quả khi tiếp cận các kênh bảo vệ phụ nữ một cách kịp thời. Trong số các kênh này, cảnh sát và tư pháp về giới là chìa khóa", bà Nyaradzayi Gumbonzvanda (Phó Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới) nhận định.

Nhân dịp này, Liên hợp quốc phát động chiến dịch "Đoàn kết", kéo dài đến ngày 10/12, kêu gọi trách nhiệm giải trình và hành động từ các nhà hoạch định chính sách.

Hành vi tàn bạo từ sự cuồng ghen

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019, hơn một nửa phụ nữ đã từng bị bạo lực. Hơn 90% nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa bao giờ kể cho ai biết về việc bị bạo lực. Bởi tâm lý chung vẫn là không ai muốn vạch áo cho người xem lưng. Cũng vì thế, nhiều phụ nữ vẫn cam chịu đến khi bị người chồng ra tay đến mức tàn bạo.

Huyền (Hà Nội) sau 39 cuộc phẫu thuật, các vết thương đã thành sẹo, nhưng vẫn gây đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.

Kể từ khi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng, chị dành trọn thời gian đi dạy, chăm lo gia đình, con cái, nhưng sự kiểm soát cùng nghi ngờ vô cớ của chồng cứ ngày càng tăng.

Vì sự cuồng ghen, người chồng không buông tay, mài ra tay một cách dã man khi dội 2 lít axit vào đầu chị, trước mặt cả con gái và bố vợ. Khi chuyện xảy ra, con gái chị mới lên 7 tuổi đã bị tự ti, trầm cảm.

Không chỉ phẫu thuật gần 40 lần cho Huyền, bác sĩ Vinh - một trong những chuyên gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện vi phẫu cấy ghép vạt da, đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự.

Bạo lực mức độ tàn bạo với phụ nữ vẫn chưa dừng lại. Cô gái 27 tuổi ở Quảng Ninh mới bị người yêu tạt axit cách đây 1 tháng, đang từng giờ từng phút đau đớn, khó chịu với vết thương sâu, hoại tử và một bên mắt hỏng giác mạc.

Nạn nhân của bạo lực cần được lắng nghe và bảo vệ

Trên thực tế, nhiều người phụ nữ cũng có tâm lý như chị Huyền, sợ mang tiếng xấu nên không dám lên tiếng khi bị bạo hành, mà chỉ cắn răng chịu đựng để gia đình được êm ấm. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, đây là một trong những điều mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tập trung giải quyết vì bạo lực không chỉ là vấn đề của nội bộ gia đình.

"Việt Nam có khung pháp lý rất mạnh, đang tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng, và các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bạo lực. Chúng tôi muốn đề xuất thêm một số điều đối với Việt Nam. Thứ nhất là hiện tại, rất nhiều phụ nữ bị bạo lực đã không đến trình báo. Vì vậy, chúng tôi muốn hợp tác với công an để xây dựng niềm tin cho người dân khi đứng ra tố cáo, rằng vấn đề của họ sẽ được điều tra và xử lý. Thứ hai là chúng ta cần có dữ liệu, để biết đâu là điểm nóng, điều gì đang thúc đẩy bạo lực ở đó. Từ đó, chúng ta có thể thực hiện được các khoản đầu tư có mục tiêu. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng chúng ta cần có nhiều nguồn lực hơn. Nếu chúng ta xây dựng nguồn tài chính tốt thì sẽ hỗ trợ được nhiều chương trình, như: các nơi tạm trú, các đường dây trợ giúp, các câu lạc bộ nam giới, hoặc mở rộng các cơ quan một cửa... chẳng hạn.

Tất cả những sáng kiến này có thể giúp Việt Nam hạn chế và tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ", bà Caroline T.Nyamayemombe (Trưởng Đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam) khẳng định.

Nhiều giải pháp phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Trong những năm qua, đặt biệt là khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được thông qua, Việt Nam đã có những nỗ lực từng bước và rõ rệt để phòng ngừa và xử lý bạo lực gia đình. Nhiều mô hình đã được triển khai, cho thấy hiệu quả nhất định.

Cơ sở dạy nghề là một trong những địa điểm học nghề miễn phí dành cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nửa năm trước, một người phụ nữ đã phải đưa các con đi trốn người chồng vô tâm và vũ phu. Chị tìm tới Ngôi nhà Bình Yên tại Hà Nội để đảm bảo an toàn cho mình và các con.

Hiện khi đã ly hôn xong và ổn định tâm lý, chị đang được đi học nâng cao tay nghề miễn phí để có thêm điều kiện nuôi con.

17 năm qua, Ngôi nhà Bình Yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho hơn 1.700 nạn nhân của bạo lực gia đình đến từ 56 tỉnh, thành phố.

Phối hợp liên ngành, và đa dạng hình thức tuyên truyền đang góp phần kéo giảm số vụ xâm hại trẻ em. Ứng dụng "Người trợ lý ảo - phòng chống xâm hại trẻ em" đã được Bộ Công an xây dựng và phổ biến rộng rãi từ năm 2020 tại các trường học và cộng đồng dân cư. Không chỉ để phổ biến kiến thức, mà ứng dụng còn tích hợp tính năng gọi khẩn cấp tới các đường dây nóng của các cơ quan chức năng. Đến nay, ứng dụng này đã có gần 20.000 lượt tải.

"Chúng tôi nhận thấy rằng xã hội rất quan tâm và các em cũng rất quan tâm về quyền và và những phương pháp để bảo vệ mình để không bị xâm hại. Do đó phần mềm người trợ lý ảo này sẽ trở thành một người bạn pháp luật đồng hành cùng các em trong việc các em muốn chia sẻ, cũng như muốn tìm hiểu các cái thông tin liên quan đến quyền và lợi ích của mình", Thượng tá Phạm Mai Hiên (Phó Trưởng phòng Phòng ngừa và Hướng dẫn điều tra tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho hay.

Theo thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, số vụ xâm hại trẻ em đã giảm 31 vụ, tương đương 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hết năm nay, mô hình "Phòng điều tra thân thiện" cũng sẽ được triển khai tại toàn bộ 63 địa phương.

Sơn La: Thành lập 451 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình Sơn La: Thành lập 451 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình

VTV.vn - Tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã thành lập 96 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 451 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 270 đường dây nóng...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước