Ghi nhận động đất có độ lớn 3.3 tại biên giới huyện Kỳ Sơn, Nghệ An

PV-Chủ nhật, ngày 26/05/2024 22:09 GMT+7

Ngày 26/5, một trận động đất có độ lớn 3.3 đã xảy ra trên địa bàn biên giới Việt Nam - Lào, cách trung tâm thị trấn Mường Xén (huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An), khoảng 50km.

Ghi nhận động đất có độ lớn 3.3 tại biên giới huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - Ảnh 1.

Nghệ An là khu vực thường xuyên xảy ra động đất. Ảnh: SKĐS

Ông Nguyễn Danh Dũng, Trạm trưởng Trạm quan trắc địa chấn Vinh (Nghệ An), thuộc Viện Vật lý Địa cầu cho biết: Trận động đất có độ lớn 3.3, xảy ra vào lúc 9 giờ 45 phút (giờ Hà Nội) ngày 26/5, có tọa độ 19,767 độ Vĩ Bắc, 103,680 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 13km.

Theo nhiều người dân sinh sống trên địa bàn các xã biên giới Keng Đu, Na Ngoi, Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn, trong sáng 26/5, khi xảy ra động đất, người dân cảm nhận được sự rung lắc nhẹ nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình do dư chấn của trận động đất gây nên. Tại khu vực trung tâm Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, người dân cảm nhận sự rung lắc rõ hơn khi ở trong những ngôi nhà xây, cao tầng, tuy nhiên dư chấn chỉ kéo dài từ 2 đến 3 giây. Không lâu sau khi dư chấn kết thúc, hoạt động, nhịp sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn trở lại bình thường.

Đại diện chính quyền địa phương huyện Kỳ Sơn nhận định, do tâm chấn trận động đất nằm ở khu vực biên giới, xa khu dân cư. Cùng với đó, địa hình khu vực biên giới Kỳ Sơn rộng lớn, chủ yếu là đồi núi, cường độ trận động đất nhỏ và thời gian dư chấn không dài nên không có khả năng gây thiệt hại về người, tài sản và các công trình xây dựng đang thực hiện thi công trên địa bàn. 

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo bản đồ phân vùng nguy cơ của Viện Vật lý Địa cầu, động đất độ lớn cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam sẽ không quá 6.8, tập trung ở Tây Bắc Bộ và Nghệ An, tương ứng với màu nâu đậm. Vùng màu nâu nhạt trong đó có Kon Tum hay các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh độ lớn động đất nếu xảy ra, cao nhất từ 5-5,9. Các khu vực còn lại trên cả nước nếu xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 5.

Động đất thường xảy ra rất nhanh. Bề mặt đất rung chuyển gây ra các chấn động mạnh chỉ đếm bằng giây nên việc dự báo rất khó. Viện trưởng Viện vật lý địa cầu đã chia sẻ thông tin chi tiết hơn về công tác dự báo và cảnh báo động đất ở Việt Nam.

Theo đó, ngay cả trên thế giới, dự báo thời điểm xảy ra động đất rất khó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, quan trắc, phân vùng động đất vẫn thực hiện được. Ví dụ, các trận động đất lớn bao nhiêu và tần suất hoạt động như thế nào rất quan trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước