Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Báo cáo đến thời điểm này cho thấy, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi này thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.
Trong những ngày đầu triển khai ghi nhận 83 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi... Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5-11 tuổi.
Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn còn lo ngại khi cho trẻ đi tiêm, nhất là với các trẻ đã mắc COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy, những người nhiễm COVID-19 biến thể Omicron có miễn dịch thấp.
Theo PGS. TS. Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Bộ Y tế: "Với những người nhiễm Omicron lượng miễn dịch thấp như thế và không tiêm vaccine thì sau này khi có chủng mới, khả năng phòng tránh những thể nặng cũng sẽ kém hơn so với người đã tiêm vaccine. Như vậy việc tiêm chủng là hết sức quan trọng, với những người đã nhiễm, việc trì hoãn là để an toàn, ở đây không chỉ là an toàn đối với mũi tiêm đó mà là tránh những trùng hợp mà tình trạng COVID-19 kéo dài và hậu COVID, nó có thể ảnh hưởng tới nhận định của BS đến sự cố sau tiêm xảy ra".
Bộ Y tế đã phân bổ và vận chuyển 2,3 triệu liều vaccine Moderna đến các địa phương để đưa vào tiêm sớm nhất cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Để cho công tác triển khai an toàn và giảm hao phí vaccine, các địa phương còn lại đang tiến hành rà soát lại đối tượng, chuẩn bị kỹ về nhân lực, cơ sở hạ tầng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!