Ảnh minh họa.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 18/1 ghi nhận 2.935 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua.
Các ca nhiễm phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa 136; Hoàng Mai 133; Gia Lâm 118; Đông Anh 109.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận đến ngày 18/1, Hà Nội có 634 ca nặng và nguy kịch, tăng 14,7% so với trung bình 1 tuần trước. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhân thở oxy qua gọng kính 554 ca, tăng 14,5%. Các bệnh nhân thở máy đều tăng, gồm: 25 bệnh nhân thở máy dòng cao (HFNC), tăng 25%; 13 bệnh nhân thở máy không xâm lấn, tăng 19,7% và 42 bệnh nhân thở máy xâm lấn, tăng 14%. Không có bệnh nhân lọc máu và chạy ECMO.
Đến ngày 17/1, toàn thành phố đang điều trị hơn 61.100 ca, trong đó hơn 50.500 F0 đang điều trị tại nhà, tăng cao so với gần 1 tuần trước (40.500 F0 điều trị tại nhà ngày 11/1).
Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 theo 4 yếu tố nguy cơ như sau:
Nguy cơ thấp: Tuổi 50 - 64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường SpO2 từ 97% trở lên. Những trường hợp này được điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện (tầng 1).
Ngoài ra, tuổi trên 3 tháng và đến dưới hoặc bằng 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% điều trị tại nhà (tầng 1).
Nguy cơ trung bình: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định; tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thành phố.
Nguy cơ cao: Người mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi; SpO2 từ 90 - 96% điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2 hoặc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đối với bệnh nhân sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Nguy cơ rất cao: Với trường hợp có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90% điều trị tại các bệnh viện tầng 3 như Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Bệnh viện Phụ sản đối với bệnh nhân sản khoa hoặc điều trị tại bệnh viện Trung ương, bộ, ngành.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là các bệnh viện: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Sơn Tây, Mê Linh; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây và bệnh viện Trung ương, bộ, ngành.
Với người có bệnh tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Đức Giang, Tâm thần Hà Nội và bệnh viện Trung ương.
Theo đó, các cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm của người bệnh COVID-19 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly; tập trung điều trị người bệnh nhẹ và không triệu chứng tại các cơ sở thu dung, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ; ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, tầng 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!