Đừng để mất Tết vì... pháo

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/01/2021 19:19 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng mua bán, tàng trữ và đốt pháo nổ vào các dịp lễ, Tết nhất là dịp Tết Nguyên đán diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước

Thống kê của Bộ Y tế, trong 8 ngày Tết năm 2020, đã có hơn 300 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Còn năm nay, càng gần đến Tết Nguyên đán lại có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do tự chế pháo nổ. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên còn rất mơ hồ hay thiếu ý thức trong chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo.

Báo động gia tăng tai nạn do pháo nổ dịp giáp Tết

Mới đây, một nam thanh niên 18 tuổi ở Yên Thế (Bắc Giang) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái. Theo các bác sĩ Viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã lên mạng tìm mua các thành phần hóa học để chế tạo thuốc pháo và pháo đã phát nổ trong quá trình nhồi thuốc pháo.

Đừng để mất Tết vì... pháo - Ảnh 1.

Một trường hợp chấn thương do đốt pháo.

Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận gần chục trường hợp tai nạn do pháo nổ. Hầu hết trường hợp đều trong tình trạng chấn thương rất nặng. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam 41 tuổi đến từ Hải Phòng, bị dập nát 3 ngón tay bàn tay phải hay bệnh nhân nam 15 tuổi ở Hải Dương bị đa chấn thương do chế tạo pháo. Cả 2 bệnh nhân này vừa được chuyển viện để tiếp tục điều trị.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết: "Các ca cấp cứu do pháo nổ có đặc thù khác với cấp cứu do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp rất nặng phải cắt bỏ ngón tay bàn tay do thuốc pháo phát nổ có sức công phá mạnh như một quả mìn nhỏ. Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân".

Các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức cho biết, trên toàn quốc trong vòng 1 tháng trở lại đây có hàng chục trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Đó cũng là lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với các trường hợp còn chưa hiểu hay cố tình vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng pháo trong nghị định mới của Chính phủ.

Vận chuyển, sử dụng pháo diễn ra phức tạp

Hiện tình trạng vận chuyển pháo lậu qua biên giới đang nóng lên, nhất là trong những ngày gần Tết. Riêng ở khu vực biên giới thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ tháng 12/2020 đến nay, lực lượng biên phòng Quảng Trị đã phối hợp các đơn vị liên quan bắt giữ hơn 1 tấn pháo nổ các loại. Các đối tượng bị bắt giữ đã biện minh cho hành vi vi phạm pháp pháp luật của mình là chưa hiểu rõ Nghị Định 137 về quản lý sử dụng pháo vừa ban hành.

Đừng để mất Tết vì... pháo - Ảnh 2.

Pháo lậu bị thu giữ.

Chưa đến Tết Nguyên Đán, nhưng tình trạng sử dụng pháo trái quy định đã xảy ra. Ngày 10/1, lực lượng biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định hành chính đối với ông Phạm Minh Hải vì hành vi sử dụng pháo hoa mà không được cấp phép.

Trước đó, vào ngày 26/12/2020, một nhóm thanh thiếu niên tại thành phố Huế điều khiển xe mô tô và dừng lại tại các tuyến đường trung tâm thành phố để đốt 7 quả pháo hoa nổ. Nhóm thanh niên này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ để xử lý vi phạm.

Cơ quan chức năng tỉnh TT Huế cũng đang làm rõ việc bắn pháo hoa nổ tầm thấp của một công ty tổ chức sự kiện chương trình "Huế - Countdown 2021" lúc 00h01 ngày 1/1 khi việc bắn pháo hoa nổ này không có trong nội dung chương trình sự kiện và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Các mức xử phạt về hành vi buôn bán và sử dụng pháo nổ

Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Cụ thể, lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định. Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.

Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Chưa Tết, tai nạn do pháo tự chế phát nổ đã liên tiếp xảy ra Chưa Tết, tai nạn do pháo tự chế phát nổ đã liên tiếp xảy ra

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại vừa tiếp nhận thêm 2 trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước