Đưa người nghiện đi cai bắt buộc - Còn vướng cơ chế

Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn-Thứ ba, ngày 27/01/2015 15:28 GMT+7

Hiện chỉ có TP.HCM có cơ chế riêng quản lý người nghiện ma túy, trong khi các địa phương còn lại vẫn bế tắc trong việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

Năm 2014, Công an quận Lê Chân, Hải Phòng đã tổ chức nhiều đợt truy quét người nghiện ở khu vực cầu Tam Bạc. Thế nhưng, công tác xử lý mới chỉ dừng lại ở việc mời về trụ sở làm việc, lập hồ sơ rồi lại thả ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do thủ tục đưa người nghiện đi cai bắt buộc rườm rà, khó thực thi.

Theo quy định, muốn đưa người nghiện đi cai nghiện, đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện, xử phạt hành chính, kế đến đưa về giáo dục tại phường, xã. Nếu tái nghiện mới đưa đi cai bắt buộc. Thẩm quyền quyết định đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc là tòa án các huyện, thị xã, thành phố. Đối chiếu những điều kiện này, từ thủ tục xác định tình trạng nghiện cho tới khâu hoàn thiện hồ sơ để chuyển cho tòa án đều chưa thể thực hiện.

Trái ngược với tình trạng người nghiện lang thang gây mất an ninh trật tự thì ở nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, chuyên môn để cai nghiện như các trung tâm xã hội lại phải thu gọn phạm vi hoạt động và gặp nhiều khó khăn trong công tác đưa người nghiện đi cai bắt buộc. TP.Hải Phòng cũng đã áp dụng biện pháp đưa người đi cai nghiện vào trung tâm cho người lang thang, tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tạm thời.

Hải Phòng chỉ là một trong nhiều địa phương trên cả nước đang gặp khó khăn trong công tác đưa người nghiện đi cai bắt buộc. Tại TP.HCM, cuối năm 2014, Thường vụ Quốc hội đã cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội thay cho các tổ chức xã hội để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.

Trong 6 tuần ra quân, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.283 người dương tính với chất ma túy. Trong đó, đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị TAND xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 710 trường hợp. Theo TS Khuất Thu Hồng, giải pháp của TP.HCM đã phần nào giải quyết được tình trạng người nghiện lang thang nơi công cộng. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là giải pháp tối ưu.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015, Bộ đặt ra mục tiêu tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 người, một con số không nhỏ khi số lượng người nghiện ma túy tổng hợp hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, đối tượng nghiện tập trung ở giới trẻ sử dụng ma túy đá, ke, thuốc lắc, loại ma túy được đánh giá rất nguy hiểm cho xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước