Đứa con của bản Ché Lầu và hành trình xóa bỏ những hủ tục lạc hậu

Nguyễn Quân - Khải Hà-Thứ ba, ngày 13/08/2024 05:55 GMT+7

Thao Văn Sinh - "Người con ưu tú của bản Ché Lầu (Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa)

VTV.vn - Khi được cán bộ tuyên truyền, ông đã tiên phong thực hiện và vận động bà con “rũ bỏ” sợi dây tâm linh chứa đựng nhiều hủ tục lạc hậu ràng buộc họ bao đời nay.

Người đàn ông được nhắc đến ở đây chính là ông Thao Văn Sinh (SN 1954) trú tại bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Ông Sinh là một trong những người uy tín trong cộng đồng người Mông tại bản cao vùng biên viễn phía tây xứ Thanh, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở xã biên giới.

Đứa con của bản Ché Lầu và hành trình xóa bỏ những hủ tục lạc hậu - Ảnh 1.

Mỗi khi bản có việc, ông Sinh lại khăn gói lên đường.

Khi hủ tục bủa vây

Từ trung tâm xã Na Mèo, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, mỏng dính như dải lụa, nằm chênh vênh trên những mỏm đá cao, chúng tôi đã có mặt tại bản Ché Lầu, một trong những bản khó của người Mông ở vùng biên cương xứ Thanh. Cách đây chưa lâu, Ché Lầu còn đang chìm đắm trong nghèo đói, hủ tục bủa vây.

Được sự quan tâm, vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, phát huy vai trò của người uy tín trong bản, những hủ tục lạc hậu đã dần được đẩy lùi, thay thế vào đấy là cuộc sống văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để có được cuộc sống như ngày nay, là cả sự hi sinh, gian khổ của những người con tâm huyết được Đảng, Nhà nước gửi gắm, giao phó. Họ đã dũng cảm xé tan tấm màn tâm linh che phủ dân làng bấy lâu nay.

Người đấy chính là ông Thao Văn Sinh. Từ khi lọt lòng, ông đã phải sống trong cảnh ràng buộc bởi những hủ tục lạc hậu của bản. Những hủ tục hà khắc đã nhiều lần đưa đẩy nhiều số phận hẩm hiu vào ngõ cụt, để rồi phải tự kết thúc cuộc đời của bản thân mình bằng nắm lá ngón.

Cuộc sống người Mông nơi đây là vậy. Từ bao đời nay, họ đã quen sống bám vào rừng theo lối sống tự cung tự cấp. Tra xong hạt ngô, hạt lúa... họ quẳng lại đó, trông cậy ở mẹ trời, được chăng hay chớ. Vài mùa mưa qua, đám đất ấy bị rửa trôi, bạc phếch, họ đi sâu hơn vào rừng, trèo lên non cao, tiếp tục đốn hạ những thân gỗ, chỉ để lấy chỗ cho hạt lúa, hạt ngô nảy mầm...

Cuộc sống tù túng cứ thế trôi đi, những đứa trẻ nheo nhóc lần lượt ra đời, được nuôi lớn bằng những hạt ngô non hay củ sắn. Còn người lớn, họ vào tận rừng già chặt nứa, vầu kéo xuống tận Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo để đổi lấy bò gạo cải thiện đời sống sau những tháng ngày ăn ngô với sắn.

Theo ông Sinh: "Người Mông rất nhiều nét văn hóa hay nhưng cũng nhiều hủ tục lạc hậu. Đặc biệt họ có lòng tự ái và cái tôi rất cao, nên để vận động họ nghe và làm theo là rất khó. Mình phải đi trước, làm trước, khi nào thấy hay thì dân mới làm theo".

Trong đó, có lẽ những thủ tục rùng rợn nhất phải kể đến ma chay trong bản. Khi có người chết, gia đình không bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm ở bên ngoài từ 5 đến 7 ngày. Cả gia đình vẫn giữ lối sinh hoạt thường ngày, đút cơm, cho nước vào miệng người đã khuất. Sau nhiều ngày, thức ăn lên men, thậm chí ruồi nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm như thế.

Để tổ chức một đám ma cho người thân, họ đã vay mượn trâu, bò mổ ăn uống linh đình, say sưa trong men rượu. Nhiều nhà, sau khi xong đám còng lưng cả kiếp người cũng chưa trả hết nợ. Cũng chính vì lẽ đó mà cái nghèo cái đói cứ đeo bám mãi lấy cuộc sống của bà con nơi đây.

Đứa con của bản Ché Lầu và hành trình xóa bỏ những hủ tục lạc hậu - Ảnh 2.

Bản Ché Lầu với 66 hộ dân và 307 nhân khẩu, trong đó có hơn 49 hộ thuộc hộ nghèo.

Đưa ánh sáng văn minh về bản

Năm 1989, ông Thao Văn Sinh cùng với bản làng di cư từ xã Nhi Sơn lên vùng biên giới Na Mèo của huyện Quan Sơn thành lập bản Ché Lầu. Vốn đã hoài nghi về những hủ tục của bản, cùng với sự vận động tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng và chính quyền các cấp đã làm khơi lên luồng gió mới trong con người ông.

Ông Sinh cho biết: "Từ khi bản Ché Lầu được thành lập, được cán bộ Biên phòng và chính quyền tuyên truyền về nếp sống văn minh, tôi nghe mà sướng cái bụng. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn qua báo đài để làm theo cán bộ, từng bước bỏ đi những hủ tục của làng".

Đặc biệt, từ năm 2018, khi có Công văn số 269/ UBND –DT ngày 27/4/2018 của huyện Quan Sơn về thực hiện Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc người Mông. Với sự tuyên truyền vận động sát sao của chính quyền, nhận thức của người dân ở bản đã dần thay đổi.

Cũng trong năm này, người cháu ruột của ông Sinh không may mắc bệnh qua đời. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để xóa bỏ hủ tục ma chay tốn kém của bản làng, ông Sinh đã thông báo với chính quyền xã đến tổ chức ma chay cho cháu theo hướng hiện đại. Thi thể được bỏ trong quan tài, tổ chức gọn nhẹ trong vòng 2 ngày để làm điểm cho bà con.

"Muốn cho dân hiểu, dân làm theo thì mình phải tiên phong làm trước. Đặc biệt việc thay đổi tập tục ma chay cưới xin… Khi dân làng thấy mình đưa xác vào quan tài mà gia đình không bị sao thì họ mới yên tâm làm theo". Ông Sinh chia sẻ.

Không chỉ vận động bà con xóa bỏ hủ tục, ông Thao Văn Sinh còn tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, Từ bỏ thói quen phát rừng làm nương làm rẫy theo kiểu du canh du cư sang trồng lúa nước hai vụ, từ đó bản đã có cái ăn cái mặc. Những cánh rừng ở đây cũng bắt đầu xanh ngắt trở lại.

Với những đóng góp của mình trong công cuộc xóa bỏ hủ tục của bản, ông Thao Văn Sinh được xem ngọn đuốc "khai sáng" cho bà con. Từng bước xóa bỏ những hủ tục đã đeo bám bao lâu nay để xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.

Cũng từ đó, tiếng thở dài của núi bao từ đời nay đã bắt đầu được thay thế bằng những tiếng ê a của trẻ thơ đang theo học con chữ tại bản. Một số cửa hàng tạp hóa tại đây cũng được mọc lên để phục vụ bà con. Những ngôi nhà siêu vẹo trước kia đã được dựng lại chắc chắn và được gắn số, con đường bê tông hóa bắt đầu được mang tên. Từ khi ngày có điện, cuộc sống vốn u tịch của bản bỗng ồn ào, đủ loại động cơ, xe máy, ô tô, máy xay xát, máy bào gỗ làm nhà, tiếng của tivi... Con đường nhỏ dẫn từ trục chính vào những mái sa mu cổ cũng đã được bê tông chắc chắn.

Chia sẻ về những đóng góp của ông Sinh trong công tác xóa bỏ hủ tục của bản Ché Lầu, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương cho biết: "Ché Lầu là một bản nghèo với 100% dân số là người Mông với nhiều hủ tục lạc hậu bủa vây. Để người dân xóa bỏ hủ tục ngoài việc vận động tuyên truyền của chính quyền các cấp ra, cần phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của người uy tín trong bản. Ông Thao Văn Sinh là người rất tâm huyết, sau khi được tập huấn, hướng dẫn, ông thường đi từng nhà để vận động bà con thực hiện theo nếp sống mới. Không chỉ có vậy, ông cũng là người đầu tiên trong bản quyết định đưa thi thể người chết vào trong quan tài".

Giờ đây, trong khắp bản đều ánh lên niềm hân hoan vui mừng khi cuộc sống đã dần khởi sắc. Đây được xem là cuộc "cách tân" vĩ đại, xóa bỏ đi những hủ tục đeo bám họ bấy lâu nay. Họ đang bước đi trên con đường mới với suy nghĩ mới, cách làm mới, như một lối đi tắt thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền ở xứ Thanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước