Dự báo thiên tai: Vẫn là bài toán khó

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/09/2024 08:58 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất mặc dù vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt và vượt qua.

Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất vừa cập nhật danh sách 146 xã thuộc các địa phương trên cả nước có nguy cơ xảy ra thiên tai. Việt Nam có năng lực cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lớn diện rộng trước 2 - 3 ngày với độ chính xác lên đến 75%, có các bản đồ dự báo sạt lở, lũ quét, bản đồ khí tượng. Tuy nhiên, việc cảnh báo sớm theo thời gian thực và phạm vi nhỏ hơn là rất cần thiết, bởi thiên tai ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các biện pháp ứng phó phải được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn.

Hậu quả của lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc sau cơn bão số 3 vẫn còn chưa khắc phục hết được. Hiện nay, mưa lớn kéo theo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất lại đang tiếp tục đe dọa các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và cả vùng Tây Nguyên. Nhiều khu vực ở vùng núi Thanh Hóa và Nghệ An xuất hiện những vết nứt núi hoặc sạt lở khiến người dân phải di dời. Ở Quảng Bình, mưa lớn gây ngập nhiều cầu tràn, chia cắt hàng ngàn người dân. Hơn 2000 người dân ở huyện miền núi Minh Hóa đang bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa lớn phổ biến lên tới 250 mm. Gần 6000 học sinh huyện Hương Sơn đã phải nghỉ học. Toàn vùng Tây Nguyên đã xuất hiện hàng trăm vị trí xung yếu, dễ sạt lở, lũ quét khi có mưa lớn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Dự báo thiên tai: Vẫn là bài toán khó - Ảnh 1.

Hậu quả của lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc sau cơn bão số 3 vẫn chưa khắc phục hết được

"Năm nay, nguy cơ gia tăng xảy ra sạt lở đất, lũ quét ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, lũ quét thường là do mưa lớn kết hợp với quá trình phong hóa không ổn định của đất đá, độ dốc lớn của sông, suối, địa hình chia cắt và sự tác động của con người như cắt, xẻ, xây dựng các hồ chứa nước, khai thác thảm phủ và làm mất độ kết dính của đất đá. Trong quá trình mưa lớn, đất đá, thân cây có thể bị cuốn vào chỗ hẹp, tắc nghẽn để tạo ra các đập chứa nhân tạo. Khi có mưa lớn, các đập này bị vỡ, cuốn theo lượng lũ lớn kéo dài kèm theo lượng đất, bùn đá lớn và những trận lũ quét nghẽn dòng", bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Dự báo thiên tai: Vẫn là bài toán khó - Ảnh 2.

Bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo bà Đặng Thanh Mai, hiện nay, trên thế giới, khả năng dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có các công cụ, số liệu nhưng cũng chỉ có thể dự báo, cảnh báo sớm trong thời gian rất ngắn. Thông tin cảnh báo thường liên quan đến khả năng xuất hiện, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trong một khoảng thời gian, một khu vực nào đó mà khó có thể cảnh báo cụ thể, chi tiết đến các thôn, bản, sườn dốc của núi, đồi.

Lũ quét và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai nguy hiểm, có tính bất ngờ và thường để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cảnh báo sớm thiên tai và khoanh vùng nguy cơ cho các địa phương. Tuy nhiên, dự báo thiên tai vẫn là một bài toán khó chinh phục.

"Hiện nay, chúng ta đang sử dụng bộ bản đồ với tỉ lệ 1:50.000 để cung cấp thông tin về nội dung quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, di dời dân cư. Bên cạnh đó, bản đồ chỉ cho biết chúng ta nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất hay không. Việc xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ phụ thuộc vào lượng mưa. Để cảnh báo, phải có các thông tin quan trắc, mưa tại chỗ, số liệu ra đa kết quả dự báo mưa 3 tiếng, 6 tiếng, 24 tiếng từ các mô hình cảnh báo, kết hợp với việc xác định vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất mới có thể đưa ra thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất", bà Đặng Thanh Mai cho biết thêm.

Dự báo thiên tai: Vẫn là bài toán khó - Ảnh 3.

Bản đồ tỉ lệ 1:50.000 cung cấp thông tin về nội dung quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, di dời dân cư

Việt Nam hiện có 3.000 trạm quan trắc đo lượng mưa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia và nhiều địa phương cũng có các kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng. Dự kiến từ nay đến năm 2030, các trạm đo lượng mưa có thể tăng lên đến 30%, phát huy hiệu quả hơn trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới, Châu Á là khu vực phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Để ứng phó, nhiều quốc gia đã có các biện pháp vừa tình thế, vừa dài hạn để phòng tránh và phản ứng. Tại Nhật Bản, mất khoảng 1 giây để thông báo cho các quan chức địa phương và từ 4-20 giây để truyền đạt thông điệp đến người dân qua hệ thống phóng thanh, phát thanh, truyền hình, email và tin nhắn di động trên toàn quốc.

Dự báo thiên tai: Vẫn là bài toán khó - Ảnh 4.

Nhật Bản truyền đạt thông điệp cảnh báo đến người dân qua hệ thống phóng thanh, phát thanh, truyền hình, email và tin nhắn di động trên toàn quốc

"Để thực hiện được hệ thống tin nhắn như Nhật Bản, thứ nhất, phải có hệ thống cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo cụ thể, chi tiết cho các vùng sẽ xảy ra thiên tai. Thứ hai, phải có một hệ thống tin nhắn để có thể gửi thông tin dự báo, cảnh báo trực tiếp đến với người dân. Chính quyền địa phương có thể xây dựng được hệ thống tin nhắn để cung cấp được các thông tin dự báo, cảnh báo, ví dụ như: ứng dụng Zalo, nhóm chat,…đã được áp dụng rất nhiều trong thực tế. Đó là một trong những giải pháp hữu hiệu cho phép cung cấp một cách nhanh nhất thông tin dự báo, cảnh báo đến cho người dân. Chính quyền địa phương cần phải thường trực, giúp cho người dân hiểu được nguy cơ, rủi ro và tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh lũ quét, sạt lởđất để có biện pháp phòng tránh tốt nhất", bà Đặng Thanh Mai nhấn mạnh.

Liên Hợp quốc đã đặt mục tiêu là đảm bảo rằng cuối năm 2027, mọi người trên thế giới đều có thể nhận được cảnh báo sớm trước các thiên nhiên thảm khốc. Ở Việt Nam, việc mỗi người được thông báo kịp thời và trực tiếp về nguy cơ thiên tai sẽ giúp tăng tính chủ động trong ứng phó với các thảm họa được dự báo sớm và từ đó sẽ phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng. Đó chính là một biện pháp hữu hiệu trước những diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước