Một dự án khu bể bơi thi đấu của tỉnh mới triển khai xong san lấp mặt bằng, thi công phần móng nhà điều hành, rồi bỏ hoang suốt 20 năm qua. Người dân tại TP Ninh Bình đã phản ánh vấn đề này, bởi dự án treo còn ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục hộ dân trong vùng dự án. Họ không thể xây mới, không thể mua bán, không thể sang tên đổi chủ chính căn nhà của mình.
Cốt sắt rỉ sét, cây cỏ dại mọc um tùm, leo lên cả nền bê tông. Dự án Bể bơi tỉnh Ninh Bình được triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, tiến hành thi công từ những năm 2001, để phục vụ cho SEAa Games 22 nhưng đến nay mới xong được phần móng khu nhà điều hành.
Dự án bỏ hoang trở thành nơi tập kết bê tông, và đặc biệt là… rác. Đủ loại rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, thậm chí là cả xương động vật bốc mùi hôi thối. Nhưng ảnh hưởng nhất lại là cuộc sống của hơn 20 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án.
Dự án bể bơi tỉnh Ninh Bình được triển khai thi công từ năm 2001 với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Chủ đầu tư là Sở Thể dục Thể thao tỉnh Ninh Bình (nay là Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Do bị bỏ hoang quá lâu nên nhiều hạng mục xây dựng dở đang đã bị xuống cấp, hư hỏng, gỉ sét, thậm chí còn bị cắt trộm do không có ai bảo vệ. Ngoài chậm tiến độ, dự án này còn khiến 22 hộ dân thuộc diện GPMB cũng đứng ngồi không yên khi trông ngóng suốt hơn 20 năm qua để di dời đến khu ở mới nhưng không thể vì dự án đang dở dang. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Theo thiết kế, Dự án bể bơi hoành tráng này được triển khai trên khu đất có diện tích trên 3.000m2, tại phường Tân Thành, TP. Ninh Bình với quy mô gồm 2 khu bể bơi và trụ sở làm việc, điều hành, mục đích nhằm phục vụ cho việc tổ chức các cuộc thi bơi lội và là nơi tập luyện, đào tạo vận động viên bơi lội cho tỉnh. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Căn nhà của bà Huê đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải cố ở. Gỗ trên mái nhà đã nứt tách hết. Cột nhà, tường nhà cũng bị tách nứt. Các căn nhà nằm trong quy hoạch treo được phép sửa lại nhưng chỉ sửa chữa nhỏ lẻ, có thể đập đi xây lại nhưng cũng chỉ được xây nhà cấp 4 mà cũng chưa biết nếu xây lại nhà cấp 4 thì về sau sẽ được đền bù có thỏa đáng hay không, vậy nên, họ chỉ dám sửa chữa nhỏ lẻ.
Một căn nhà khác nằm trong quy hoạch dự án đã quá cũ kỹ, xuống cấp, thậm chí nứt vỡ có dấu hiệu nguy hiểm. Chủ căn nhà đã quá sợ hãi, lo cho tính mạng của mình, phải bỏ nhà và đi thuê nhà nơi khác để sinh sống.
Cây dại, rác thải vương vãi khắp nơi trên móng bể bơi. Công trình tiền tỷ này do nhiều năm bị bỏ hoang nên không có ai nhòm ngó tới. Ảnh: Dân trí
Phía bên trong, ống cống thoát nước được chất đầy thành từng hàng cao và dài. Ảnh: Dân trí
Ngoài ống cống, cả cọc bê tông ngay tại bãi đất xây dựng khu trung tâm thể thao. Những cọc bê tông này đặt ngay sau trường cấp 1 và cấp 2 của phường Tân Thành, mỗi khi có xe ra vào chở vật liệu lại gây ồn ào đến các cháu học sinh học tập trong trường. Ảnh: Dân trí
Chủ đầu tư của dự án khu bể bơi thi đấu của tỉnh là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình. Đại diện đơn vị này cho biết, một phần nguyên nhân của việc dự án bị chậm triển khai là bởi, giai đoạn đầu có tới 2/3 hộ dân không đồng ý phương án đền bù tái định cư nên đơn vị thi công không có mặt bằng để triển khai dự án.
Nhùng nhằng mãi đến năm 2008, khi không thể triển khai tiếp được, doanh nghiệp thi công muốn thanh quyết toán hết khối lượng đã làm tính đến lúc đó là khoảng 20 tỷ đồng nhưng chính quyền chỉ trả được cho DN có 1,2 tỷ đồng do thời điểm đó không cân đối được ngân sách. Khoản nợ DN khoảng 19 tỷ đồng, đến giờ đã 2 thập kỷ mà vẫn chưa trả được cho đơn vị thi công. Do vậy, dự án vẫn cứ đứng im mãi từ đó đến nay.
Cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, sau khi thanh quyết toán được với đơn vị thi công số tiền họ đã bỏ ra cho dự án thì mới có thể hủy dự án này để lập lại 1 dự án mới, tiếp tục triển khai các công việc còn tồn đọng, trong đó có cả việc đền bù, tái định cư cho các hộ dân vẫn còn mắc kẹt trong vùng dự án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!