Triều cường dâng khiến nhiều khu dân cư bị ngập. Ảnh: Báo điện tử Giao Thông
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, sau nhiều ngày đỉnh triều duy trì ở mức cao nhất trong 24 năm qua, sáng 21/10, đỉnh triều tại trạm Biên Hòa (hạ lưu sông Đồng Nai) rút xuống còn gần 1,9m, trên mức báo động 1 là 0,07m. Những ngày tới, triều cường sẽ tiếp tục giảm, kết thúc đợt triều cường lịch sử.
Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2000, đỉnh triều ở hạ lưu sông Đồng Nai đạt 2,19m, cao kỷ lục. Những năm sau đó, triều cường lúc cao nhất cũng chỉ ở mức dưới báo động 2 (dưới 2m). Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay năm nào triều cường cũng vượt báo động 2. Đặc biệt năm nay, triều cường duy trì ở mức trên báo động 2 trong 3 ngày liên tiếp (từ 18 – 20/10), có lúc đỉnh triều đạt 2,9m, trên báo động 2 là 0,9m, mức cao nhất trong 24 năm qua.
Ông Nguyễn Phước Huy khẳng định: Triều cường trên sông Đồng Nai duy trì ở mức cao trong 6 năm liên tiếp là do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Những năm trước, thông thường triều cường chỉ lên cao trong tháng 10, nhưng năm nay nhiều khả năng tháng 11 vẫn có những đợt triều cường cao. Dự báo tương lai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp, ngành chức năng cần đề ra phương án lâu dài ứng phó với tình trạng này.
Sông Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Do triều cường hạ lưu sông Đồng Nai dâng cao, những ngày qua nhiều khu vực trũng thấp ở hạ lưu sông Đồng Nai thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!