Chương trình tư vấn sẽ được phát sóng trên các website, ứng dụng, facebook, youtube của nhiều đơn vị báo đài.
Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ đột quỵ thường tăng đột biến khoảng 30% vào thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới. Giai đoạn chuyển mùa, thời tiết biến đổi nóng, lạnh thất thường làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rung nhĩ, tiểu đường, béo phì, cao mỡ máu… Nguy cơ đột quỵ có thể tăng hơn 10% khi nhiệt độ giảm 2,4 độ C trong 24 giờ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Giám đốc Trung tâm Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguy cơ đột quỵ mùa cuối năm còn gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như về ăn uống, tiệc tùng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi chưa phù hợp.
Tiêu thụ nhiều rượu bia, chất béo, hút thuốc lá, ít vận động làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, hình thành cục máu đông, tắc nghẽn hay vỡ mạch máu, dẫn đến đột quỵ. Áp lực công việc cuối năm nhiều gây căng thẳng, mất ngủ, rối loạn lo âu, cũng có thể làm nguy cơ đột quỵ, kể cả với những người trẻ.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết cứ mỗi phút trôi qua, cơn đột quỵ làm chết gần 2 triệu tế bào thần kinh. Do vậy, càng để lâu, cấp cứu càng chậm hoặc không đúng cách thì nguy cơ tàn phế, tử vong của người bệnh càng cao.
Thực tế cho thấy, gần 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp "giờ vàng", dẫn đến các biến chứng nặng nề. Trong đó, khoảng 50% ca đột quỵ tử vong.
"Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là 3 - 4,5 giờ, có thể mở rộng lên trên 6 giờ đầu kể từ khi người bệnh khởi phát cơn đột quỵ. Đối với đột quỵ xuất huyết não, giờ vàng cấp cứu là trong vòng 8 giờ đầu, có thể mở rộng lên trên 24 giờ, thậm chí hơn. Tuy nhiên, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Các biện pháp can thiệp cấp cứu đột quỵ thường bao gồm: dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch, phẫu thuật... Tùy thuộc vào loại đột quỵ là nhồi máu não hay xuất huyết não, mức độ nghiêm trọng và thời gian xảy ra đột quỵ mà bác sĩ chỉ định biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất.
TS.BS Minh Đức cho biết thêm, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai y lệnh khẩn "Code stroke" dành riêng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Y lệnh khẩn này kết nối các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… và mở lối đi riêng cho bệnh nhân. Bệnh nhân được đánh giá ngay tại phòng cấp cứu với các thiết bị, máy móc di động, chụp CT, MRI theo luồng ưu tiên. Bác sĩ đọc kết quả ngay trên màn hình, hội chẩn nhanh và quyết định biện pháp xử lý ngay lập tức, rút ngắn thời gian cấp cứu đột quỵ nhồi máu não xuống còn 30 phút, thậm chí 20, 15 phút.
Đối với đột quỵ xuất huyết não, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết bệnh viện đang ứng dụng robot mổ não hiện đại bậc nhất và duy nhất tại Việt Nam cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng thế hệ mới nhất, giúp phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ, kẹp, tắc mạch máu não bị vỡ thành công ngoạn mục.
Đặc biệt, bệnh viện thực hiện mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não hiệu quả cho nhiều trường hợp muộn giờ vàng lên đến 1-2 ngày. Người bệnh hồi phục nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng thần kinh.
Đột quỵ có thể phòng tránh được trong ít nhất 80% trường hợp. Bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chủ động tầm soát mọi dấu hiệu bất thường có thể gây ra đột quỵ trên khắp cơ thể như: tim, não, mạch máu, các chi, phổi, gene, yếu tố tăng đông, xơ vữa…
Bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi đều nên tầm soát đột quỵ định kỳ, đặc biệt là thời điểm cuối năm. Việc này càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn với những người có yếu tố nguy cơ cao như trên 55 tuổi, mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, dị dạng, phình mạch máu não…), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trang bị nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại như hệ thống chụp MRI 3 Tesla, CT 768 lát cắt, chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA cao cấp, hệ thống máy siêu âm tổng quát Acuson Sequoia, siêu âm Doppler, X-Quang kỹ thuật số treo trần cao cấp, các máy xét nghiệm máu chuyên biệt, kỹ thuật khảo sát gene… giúp "truy lùng" mọi nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đột quỵ, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.
Tất cả các thắc mắc liên quan về đột quỵ mùa cuối năm sẽ được các Chuyên gia, Bác sĩ hàng đầu về Thần kinh - Đột quỵ trực tiếp giải đáp trong chương trình tư vấn "Đột quỵ mùa cuối năm - Tầm soát, cấp cứu ở đâu?", như: Ai dễ có nguy cơ đột quỵ vào dịp cuối năm? Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là gì? Nên sơ cứu đột quỵ ra sao? Giờ vàng cấp cứu đột quỵ là bao lâu? Đặc biệt, nên cấp cứu và tầm soát đột quỵ ở đâu? Phương pháp hiện đại nào giúp tầm soát, cấp cứu đột quỵ hiệu quả?
Chương trình có sự tham gia của các Chuyên gia, Bác sĩ hàng đầu về Thần kinh - Đột quỵ thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu - Giám đốc Trung tâm Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
TS.BS Nguyễn Đức Anh - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!