Đồng Tháp: Số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng, một số ca có diễn biến nặng

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/06/2023 12:40 GMT+7

VTV.vn - Tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất và biến chứng nặng nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là những bé dưới 3 tuổi.

Tại Đồng Tháp, trong 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhi mắc tay chân miệng có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi tuần gần 70 em.

Một bé trai 18 tháng tuổi có những biểu hiện bất thường nhưng thay vì đưa đến bệnh viện thăm khám, phụ huynh lại đưa đến phòng khám tư điều trị nên khi vào bệnh viện bệnh đã diễn biến nặng.

Có kiến thức về bệnh tay chân miệng nên khi con trai 17 tháng tuổi của chị Lưu Thiên Kim có những biểu hiện lạ, chị đã nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Sa Đéc khám và được bác sĩ chỉ định cho nhập viện điều trị.

Đồng Tháp: Số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng, một số ca có diễn biến nặng - Ảnh 1.

Tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, 6 tháng đầu năm 2023 đã khám và điều trị cho 201 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 137 ca phải nhập viện điều trị, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo thời gian tới, trẻ bị nhiễm bệnh tay chân miệng có khả năng tăng cao, phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ có thể gây biến chứng lên thần kinh, viêm cơ tim...

Các bác sĩ cảnh báo tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine. Phụ huynh cần lưu ý để chăm sóc và phòng bệnh cho con.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp 3 sạch gồm: bàn tay sạch, ăn sạch, ở sạch và không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước