Cho đến ngày 06/8, việc đi lại ở xóm Đông, thôn Nam Hài (xã Nam Phương Tiến) vẫn khó khăn.
"Tính đến hôm nay nữa là tròn 12 hôm chúng tôi trong chung với lũ. Lúc cao điểm, nước ngập tới bụng. Chúng tôi phải lót nhiều lớp gạch để nâng giường ngủ lên nước mới không tới. Mỗi khi đi ngủ, phải bơi thúng để leo lên giường" – ông Đỗ Đình Tâm (xóm Đông, thôn Nam Hài) chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình những ngày bão lũ. Theo ông Tâm, mấy hôm nay, nước rút nhanh nên việc đi lại trong nhà cũng dễ dàng hơn.
"Tuy nhiên, việc đi chợ, ra thôn, ra xóm chúng tôi vẫn phải đi thuyền một quãng dài"- bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Tâm cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn chia sẻ về những khó khăn mình vừa trải qua trong những ngày ngập lụt
Hoàn cảnh của gia đình ông Tâm bà Nhẫn khá đặc biệt. Con cái ở riêng ở thôn khác, chỉ có hai ông bà ở với nhau. Ông Nhẫn bị teo cơ, đi lại vô cùng khó khăn. Những ngày nước lớn, nhiều người cũng khuyên nhủ ông bà sơ tán đi nơi khác nhưng ông bà không đồng ý.
"Tôi đi lại khó khăn, cũng không muốn làm phiền đến người khác nên hai vợ chồng già cứ cố gắng vậy thôi. Những hôm đỉnh lụt, nước dâng cao, rác rưởi nổi lềnh bềnh tràn cả vào nhà. Tôi còn bắt được một con rắn lục xanh theo dòng nước trôi vào. Điện mất, chúng tôi phải mượn bóng tích điện. Mà cũng phải dùng dè sẻn lắm. Chỉ dùng khi ăn cơm và trước khi bơi lên giường để ngủ thôi." - ông nói.
Những vết nứt đã xuất hiện sau những ngày ngập nước
Là một người dân Nam Hài của xã Nam Phương Tiến, ông Tâm, bà Nhẫn không lạ lẫm gì cảnh mưa lũ ngập úng. Tuy nhiên, những lần ngập úng sâu và lâu như năm nay thì không nhiều. "Gần đây nhất là 2018 chúng tôi cũng bị ngập sâu, còn lại những năm trước thì đỡ hơn, không nặng nề như đợt ngập vừa rồi. Trải qua những ngày mưa đầu, nhận thấy việc nước dâng lên bất thường, chúng tôi cũng bàn nhau lên kế hoạch để ứng phó. Cũng vì quen với việc ngập lụt nên chúng tôi cũng không bị bất ngờ. Chỉ khổ là cuộc sống bị đảo lộn, khó khăn nhân lên nhiều lần".
Ngày 06/8 việc đi lại vào nhà một số hộ dân ở xóm Đông vẫn gặp khó
Gia đình ông Tâm bà Nhẫn là một trong hai hộ nghèo của xã Nam Phương Tiến. Hai vợ chồng già tuổi cao sức yếu. Ông Tâm chân lại bị đau, đi lại khó khăn. Cuộc sống hai vợ chồng trông cả vào sáu sào lúa, tính tròn thì được hơn một tấn. Những ngày nước ngập, việc đầu tiên ông bà làm là cho những bao thóc lên cao, buộc kín và bảo quản kĩ lưỡng.
Cao điểm, nước ngập quá đầu bà Nhẫn
Theo ông Tâm, nguồn sống quan trọng nhất của ông bà trông chờ cả vào đấy. "Ngày thường nhàn rỗi, tôi lại đi làm thuê đan lát. Một ngày cũng kiếm được mấy chục nghìn, phụ thêm trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng"- Bà Nhẫn cho biết. Ngôi nhà ông Tâm bà Nhẫn đang ở cũng là ngôi nhà tình nghĩa hộ nghèo mà nhà nước xây cho năm 2017.
Những bao thóc, tài sản của gia đình được ông bà cất lên cao
"Lũ lụt thì năm nào cũng có bởi xã tôi vốn là rốn lũ, chúng tôi quen rồi. Lũ đến thì mình thích nghi ứng phó thôi. Hơn nữa những ngày bão lụt chúng tôi cũng nhận được nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ từ chính quyền xã, chính quyền huyện cho đến thành phố Hà Nội cũng như Trung ương. Nước rút, các đoàn thể cũng giúp đỡ nhân dân dọn dẹp vệ sinh để ổn định lại cuộc sống. Nước sinh hoạt, dù rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ."
Những viên gạch kê giường để tránh nước
Nỗi canh cánh lớn nhất trong lòng của đôi vợ chồng già bây giờ là ngôi nhà, sau những ngày ngâm trong nước đã dấu hiệu mục, xuống cấp, xuất hiện vết lún và vết nứt. "Nếu có tiền thì việc đầu tiên là chúng tôi sẽ tu bổ và gia cố lại ngôi nhà. Tuổi già sức yếu, lỡ chẳng may nó hư hại, xảy ra sự cố thì không biết phải làm sao".
Theo ông Lê Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, trường hợp của gia đình đôi vợ chồng già Đỗ Đình Tâm và Nguyễn Thị Nhẫn rất đáng để chia sẻ. Ông bà là một trong hai hộ nghèo lại bị ảnh hưởng của việc ngập lụt lâu nhất. Tuy nước đã rút ra khỏi sàn nhà nhưng ngôi nhà vẫn như ốc đảo, nằm biệt lập.
"Muốn đi vào nhà ông bà chúng tôi vẫn phải đi bằng thuyền. Cảm thông trước hoàn cảnh của hai cụ, chúng tôi vẫn ưu tiên hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt, các hóa chất khử khuẩn, tránh ô nhiễm môi trường. Tuy khó khăn nhưng tinh thần hai cụ cũng rất kiên định, mạnh mẽ." - ông Lanh cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!