Vùng quê cách mạng Chợ Đồn - sau ngày giải phóng - còn là một địa phương nghèo đói, không điện, không đường, không trạm. Thế nhưng hơn 70 năm sau, vùng quê này đang có những bước đột phá mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đồi Pù Cọ, bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn - nơi hai đoàn quân Nam Tiến và Bắc Tiến gặp nhau tháng 10/1943. Đây cũng là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ Việt Minh những năm trước Cách mạng tháng Tám.
Những mảnh đất cách mạng nay đã khoác lên mình một diện mạo mới
Bản Bẳng khi xưa chỉ có 6 hộ dân, trong đó 2 hộ hút thuốc phiện, đời sống kinh tế khó khăn. Bản Bẳng ngày nay có hơn 50 hộ dân, chủ yếu là người Dao. Nhờ có điện lưới quốc gia, đường giao thông thuận lợi, cùng với các chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Nhà nước, đời sống của bà con trong bản đã có nhiều thay đổi.
Bản Bẳng, bản Ca là những địa danh nổi tiếng thuộc ATK Chợ Đồn. Đây là căn cứ địa chiến lược trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Từng là nơi đóng đô của hầu hết các cơ quan Trung ương và gắn liền với hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo. Đặc biệt, từ năm 1947-1951, đây đã từng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hơn 70 năm sau ngày giải phóng Chợ Đồn, mảnh đất cách mạng nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Từ chỗ nghèo đói dai dẳng, nhiều xã "ba không": không điện, không đường, không trạm, thì nay ô tô đã đến từng trung tâm xã, điện phủ khắp các thôn, bản.
Pù Cọ, Bản Ca - những tên núi, tên làng đã gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc. Người dân Chợ Đồn giờ đây cảm nhận rõ thành quả mà cách mạng đem lại và đang nỗ lực để tạo nên những đột phá mới trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!