Mùng 3 Tết thầy:

Đổi mới giáo dục nhìn từ chữ "Ân" và "Uy" trong xã hội hiện đại

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/02/2021 07:02 GMT+7

VTV.vn - Trước đây "Yêu cho roi cho vọt", phải thật nghiêm khắc để dạy học trò thì nay, nhiều hình thức kỷ luật không được phép áp dụng nữa. Vậy làm thế nào để học sinh tiến bộ?

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là trường phổ thông duy nhất ở Hà Nội không chọn lọc đầu vào. Trường tiếp nhận cả những học sinh học lực yếu, hoặc bị các trường khác cho là "cá biệt". Thách thức lớn nhất là làm sao để tạo hứng thú cho những học sinh này, giúp các em tuân thủ kỷ luật của trường một cách tự nguyện?

Cô giáo Lê Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: "Nhiều người nghĩ trên lớp mình phải có cái uy để cho các con sợ nhưng tôi nghĩ, nếu mình làm các con sợ thì các con chỉ làm trước mặt thôi. Cái quan trọng là làm sao mình phải tiếp cận các con để các con tin tưởng ở mình,và các con nhận thức ra rằng cái gì là đúng, cái gì là sai. Khi các con nhận thức ra cái gì đúng cái gì sai, các con sẽ hành động đúng".

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: "Trước hết anh phải là một thầy giáo mẫu mực. Nếu anh dạy giỏi, dạy hay thì chỉ nói một lần là học sinh nghe. Cái uy tỏa sáng từ chính trí tuệ, com tim của người thầy. Thật sự anh phải yêu thương học sinh, phải chăm lo cho học sinh".

TS. Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội nhấn mạnh đến sự quan tâm, thấu hiểu và động viên kịp thời của giáo viên, nhằm giúp học sinh tiến bộ mỗi ngày. Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, tận tụy của người thầy với các phương pháp, kỹ năng sư phạm phù hợp với từng đối tượng học sinh.

"Không thể một ngày, hai ngày, không thể một tuần hai tuần, thậm chí không thể một tháng hai tháng, có rất nhiều học sinh phải kiên nhẫn hàng năm trời nhưng với tất cả sự cố gắng của thầy cô, bằng tình yêu của mình và bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau thì cái uy của thầy cô sẽ được hiện lên dần dần. Tình yêu, sự tha thiết của thầy cô và bằng cả những giải pháp rõ ràng của thầy cô nữa chứ chỉ yêu thương không thì cũng rất khó. Chắc chắn em học sinh ấy sẽ thay đổi" - TS Nguyễn Thị Thu An nói.

Usinxki - một nhà giáo dục danh tiếng từng nói: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác". Dù ở thời đại nào, chữ Ân và chữ Uy của người thầy cũng chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi người thầy thực sự là tấm gương sáng về nhân cách, lối sống để học sinh noi theo.

Đổi mới giáo dục đại học - Chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đổi mới giáo dục đại học - Chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

VTV.vn -Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước