Điều trị, phòng ngừa viêm amidan, viêm VA và bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ

Ngọc Khánh-Thứ bảy, ngày 22/04/2023 17:58 GMT+7

Từ trái sang phải: ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy và MC Bích Ngọc trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến ngày 20/4/2023.

VTV.vn - Theo các chuyên gia, bệnh Tai Mũi Họng ở trẻ tuy nhẹ nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm, đúng cách.

Làm thế nào nhận biết trẻ bị dính thắng lưỡi, viêm amidan, viêm VA...? Khi nào cần cắt thắng lưỡi? Có nên cắt amidan, nạo VA cho trẻ không? Chăm sóc trẻ sau phẫu thuật? Phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ lúc giao mùa? Tất cả thông tin liên quan đến bệnh lý Tai Mũi Họng phổ biến, đặc biệt trong thời điểm giao mùa hiện nay đã được các chuyên gia BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến: "Dính thắng lưỡi, Viêm Amidan, Viêm VA & bệnh Tai Mũi Họng ở trẻ em" vào 20h ngày 20/4/2023.

Cần cắt thắng lưỡi, cắt amidan, nạo VA cho trẻ đúng thời điểm

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 5% trẻ sinh ra bị dính thắng lưỡi. Đây là dị tật bẩm sinh nhẹ, nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Lâu dần, khiến trẻ nói ngọng, âm phát không rõ, mặc cảm tự ti với bạn bè khi đi học.

"Bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào, khi có đủ sức khỏe và được bác sĩ chẩn đoán dính thắng lưỡi nặng độ 3, độ 4 thì đều nên cắt dính thắng lưỡi", Phó giáo sư Chung Thủy chia sẻ.

Điều trị, phòng ngừa viêm amidan, viêm VA và bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy là một trong những chuyên gia đầu ngành Tai Mũi Họng tại Việt Nam với hơn 35 năm kinh nghiệm khám, điều trị cho trẻ em và người lớn.

Với trường hợp viêm Amidan, viêm VA, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê - Phó khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong giai đoạn 6 tháng đầu đời, bé được thừa hưởng hệ miễn dịch từ mẹ nên rất ít khi bị sốt, ho, sổ mũi trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, sau 6 tháng, miễn dịch mẹ cho con bắt đầu giảm dần, đây là thời điểm cơ thể trẻ bắt đầu hoàn thiện hệ thống miễn dịch và học làm quen với môi trường xung quanh. Khi đó amidan hay VA trở thành những cửa ngõ quan trọng để bảo vệ trẻ trước các tác nhân môi trường như vi khuẩn, virus... nhưng đồng thời, cũng phản ứng lại bằng cách gây sốt, viêm amidan, viêm VA... Nhưng nếu tình trạng này xảy ra liên tục, tái đi tái lại, bào mòn dần sức đề kháng và đến một lúc nào đó, amidan, VA trở thành ổ chứa của vi khuẩn, gây hại cho chính cơ thể của trẻ.

"Khi viêm VA quá phát độ 3, 4 gần như bịt kín đường thở, gây viêm xoang nặng, viêm tai giữa, viêm đường hô hấp dưới, trẻ ho dai dẳng, nghẹt mũi, không thở được và liên tục viêm đường hô hấp, bác sĩ có thể chỉ định nạo VA cho trẻ. Với trường hợp viêm amidan tái phát hơn 5 lần/năm, áp xe amidan, hôi miệng, ngưng thở khi ngủ,... cũng được cân nhắc phẫu thuật cắt amidan. Trẻ cần được thăm khám chuyên khoa Nhi, Tai Mũi Họng để được bác sĩ kiểm tra và chỉ định phù hợp", bác sĩ Lê cho biết.

Các chuyên gia nhấn mạnh, viêm amidan, viêm VA không được điều trị triệt để trong thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm thính lực, ngưng thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… đe dọa tính mạng của trẻ.

Điều trị và phòng ngừa bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ lúc giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, khi không khí nóng, lạnh thất thường, nhiệt độ thay đổi, cơ thể sẽ phản ứng để phù hợp với môi trường. Lúc này, tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai mũi họng (viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa…) gia tăng.

Bên cạnh đó vào mùa hè, khi trời nóng, nhiều gia đình sử dụng máy lạnh thường xuyên. Không khí máy lạnh làm khô đường thở, gây vón cục gỉ mũi, dẫn đến bít đường thở khiến trẻ khó chịu... Hơn nữa tình trạng nấm mốc, bụi bặm tích tụ trong máy lạnh cũng khiến trẻ "hít" phải và bị bệnh.

Bác sĩ Lê nhấn mạnh, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt. Do đó, việc dùng thuốc điều trị cho trẻ được căn cứ vào độ tuổi, cân nặng, triệu chứng, mức độ nhiễm trùng, nguyên nhân gây bệnh và thậm chí là dịch tễ khu vực sinh sống... Phụ huynh tự ý mua lại toa thuốc cũ hoặc dùng toa thuốc của trẻ khác không qua thăm khám của bác sĩ sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như đề kháng kháng sinh, dị ứng, sốc phản vệ hoặc thậm chí gây nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Điều trị, phòng ngừa viêm amidan, viêm VA và bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ - Ảnh 2.

BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê thăm khám cho trẻ tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Trường hợp trẻ có chỉ định cắt thắng lưỡi, nạo VA hay cắt amidan, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng. Các kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn được áp dụng giúp hạn chế chảy máu, giảm đau, trẻ mau hồi phục. Chẳng hạn, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ coblator, dao plasma, nên các thủ thuật rất nhẹ nhàng, cầm máu tại chỗ, không đau sau mổ nên không ảnh hưởng tâm lý của trẻ.

"Nếu như phương pháp truyền thống sử dụng dao điện để cắt amidan, nạo VA mất nhiều thời gian, trẻ phải gây mê trong thời gian dài hơn thì việc ứng dụng công nghệ Coblator hoặc Plasma với lưỡi dao mỏng, bác sĩ dễ dàng cắt bỏ toàn bộ tổ chức viêm mạn tính quá phát, rút ngắn tối đa thời gian phẫu thuật. Trẻ có thể ra viện chỉ sau 24h và ăn uống, vui chơi bình thường", Phó giáo sư Chung Thủy chia sẻ.

Điều trị, phòng ngừa viêm amidan, viêm VA và bệnh Tai Mũi Họng cho trẻ - Ảnh 3.

ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga là bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giảm đau hiệu quả trong phẫu thuật cho trẻ em và người lớn.

Giải tỏa lo lắng của nhiều phụ huynh về việc gây mê khi phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ, ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga - Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ tính toán liều thuốc mê cá thể hóa theo từng loại phẫu thuật, từng tình trạng bệnh lý. Đặc biệt, liều lượng thuốc mê trong các ca phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi, cắt amidan, nạo VA,... rất ít, chủ yếu giúp trẻ nằm yên, không bị lay động khi bác sĩ thực hiện và không bị ám ảnh tâm lý sau thủ thuật. Thuốc mê sẽ nhanh chóng được đào thải ra ngoài cơ thể. Khi phẫu thuật viên vừa kết thúc thủ thuật thì thuốc mê cũng hết tác dụng ngay lập tức, trẻ hoàn toàn tỉnh táo, uống sữa bình thường.

Cuối cùng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh Tai Mũi Họng, ba mẹ cũng cần chú trọng vệ sinh răng miệng cho trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ kết hợp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, khuyến khích trẻ vận động… để tăng cường đề kháng cho trẻ, phòng ngừa bệnh Tai Mũi Họng lúc giao mùa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước