Vào ngày 7/12 vừa qua, sự kiện "Internet Day 2022" đã được tổ chức nhằm kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam có dịch vụ Internet. 25 năm là 1 hành trình từ khi cả nước chỉ có vài trăm nghìn người dùng Internet, nay mục tiêu "mỗi người một thiết bị thông minh" đã tiệm cận với việc hoàn thành.
Cụ thể là tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%, mỗi người dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet. Thêm 1 cú hích của đại dịch COVID-19 nên giờ sự kết nối cộng đồng trên không gian mạng vô cùng mạnh mẽ. Nó tạo ra nhiều sự phát triển vượt bậc và cả những hệ quả kéo theo trong thực tế. Và một trong số đó chính là lừa đảo trực tuyến.
Hút mỡ Online... có một không hai
Với câu chuyện "hút mỡ online", khi phóng viên tìm được thông tin rằng có sự tồn tại và những lượt tải về của ứng dụng này thì đã nghĩ: "Chuyện như thế này mà cũng có người tin được à?!", nhưng bình tĩnh lại mà suy nghĩ thì sẽ thấy: Có lẽ phần lớn những người tải ứng dụng này về cũng vì tò mò vui vui xem nó thế nào.
Tuy nhiên, thực tế là hàng ngày, nhiều thứ khó tin như vậy vẫn xuất hiện trên không gian mạng, ngay trước mắt chúng ta. Và cho dù có ai đó thực sự tin vào việc chỉ cần điểm danh qua điện thoại thôi là cũng có thể giảm cân rồi thì đó vẫn còn là người may mắn. Bởi cái giá mà người đó phải trả đôi khi chỉ là chút bực dọc vì nhận ra mình đang ngốc nghếch thế nào trên không gian mạng. Còn ngoài thực tế, khi niềm tin làm đẹp đặt sai chỗ vào các cơ sở không uy tín, cái giá có thể sẽ là rất đắt.
Mới đây, một trường hợp tử vong sau khi làm đẹp đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Thông tin ban đầu cho thấy một cô gái 25 tuổi đã đến một cơ sở thẩm mỹ không phép có tên là "Key Beauty" ở phường 8, quận Phú Nhuận để đốt mỡ. Cô gái được cơ sở này tiêm một số loại thuốc gây tê, gây mê trước khi phẫu thuật, nhưng sau đó cô đã bị tím tái, ngưng hô hấp.
Nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu rồi tử vong. Hiện thì các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trong khi chủ cơ sở này đã dọn đi trả lại mặt bằng thuê. Sự việc một lần nữa cảnh báo về tình trạng các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép gây tai biến chết người.
Trên hệ thống các bản tin của VTV, các phóng viên đã từng nhiều lần nói về mối nguy và cả các chiêu trò mà những cơ sở làm đẹp không phép này sử dụng để thu hút khách hàng. Đa số đều có điểm chung là những lời quảng cáo lọt tai như: nhanh chóng, không đau, không phản ứng phụ, và đặc biệt là giá rẻ.
Trên mạng xã hội chiêu trò lừa đảo cứ như những con dao lam luồn lách vào tâm trí người dùng qua những cái lướt ngón tay, nó sẽ ngấm từ từ, dần dần và ra đòn quyết định vào đúng 1 điểm yếu sơ hở nhất. Nhu cầu làm đẹp nhanh chóng là một điểm yếu như thế. Ở một cấp độ lừa đảo khác, vừa làm đẹp, vừa làm giàu lại còn là yếu huyệt dễ tấn công hơn.
Mỹ phẩm sản xuất chui nhưng ra tiền tỷ
Điểm tuần đưa đến cho khán giả hình ảnh về cuộc hội thảo của các chị em mê làm đẹp với người đứng trên bục là đại diện 1 thương hiệu mỹ phẩm, tạm gọi là chị D. Đây là cuộc hội thảo tư vấn về làm đẹp da mà chị D lại toàn nói về con đường làm giàu, quy trình nhập hàng - bán hàng - đại lý các cấp.
Để thuyết phục rằng sự giàu có là có thật, chị D mang cả vali tiền lên sân khấu. Thế nhưng khi được hỏi về nhà máy sản xuất như thế nào, chị D lại không cho xem ảnh.
Mà thực ra chất lượng cũng chẳng quan trọng, vì làm gì có chất lượng mà quan trọng. Quan trọng là khi khách hàng phản ánh về chất lượng, người bán hàng cần làm gì và cái này thì chị D đã có quá nhiều kinh nghiệm để chia sẻ.
Làm giàu không khó, cái khó là tìm ra đúng cách làm giàu và kiên trì theo cách thức đúng đắn đó. Nói về những điều không có thật thì chưa bao giờ là cách làm đúng cả. Cũng phải nói rằng chính sự phát triển của mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào hành trình lôi kéo con mồi của những cú lừa này.
Lúc này, mạng xã hội đã trở thành công cụ để tạo ra lớp vỏ bọc hào nhoáng và làn truyền sự hào nhoáng đầy thu hút ấy như một thứ mồi nhử. Và loại mồi nhử chất lượng ở đây sẽ là loại chạm được vào những khao khát cháy bỏng nhất của con người.
"Đâm lao thì phải theo lao", tâm lý này cùng một chút hy vọng luôn được gieo vào cuối con đường là thứ khiến con mồi cứ sập bẫy dù lờ mờ nhận ra việc mình đang bị lừa. Tỉnh táo nhận diện có lẽ là điều đầu tiên cần có để tự mình thoát khỏi những cái bẫy trên mạng xã hội.
Đã là lừa đảo thì muôn hình vạn trạng, lại còn có lớp mặt nạ của mạng xã hội nữa thì lại càng khó nhận ra. Vậy nên, nếu có thấy ai đó bị lừa, thì cũng đừng vội cười chê. Nếu ta có tránh được 1 cú lừa nào đó, cũng đừng vội đắc thắng, bởi đó có thể chỉ là may mắn mà thôi. Không đắc thắng thế nhưng vui khi tránh được 1 cú lừa là niềm vui chính đáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!