Điểm tuần: Khẩu hiệu 10 tỷ đồng, SGK lớp 1 mới và các sản phẩm của nghiên cứu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 03/10/2020 12:18 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh nhiều công trình nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả, có những sản phẩm biết là không hiệu quả nhưng không hiểu sao vẫn ra đời.

Công trình khẩu hiệu hơn 10 tỷ đồng đặt vị trí gây sạt lở

Tuần qua là tuần có nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả khi được áp dụng vào thực tế, bên cạnh những sản phẩm biết là không hiệu quả nhưng không hiểu sao vẫn ra đời.

Điểm tuần: Khẩu hiệu 10 tỷ đồng, SGK lớp 1 mới và các sản phẩm của nghiên cứu - Ảnh 1.

Hơn 10 tỷ đồng cho công trình 11 từ trong khẩu hiệu.

Sản phẩm đang thành hình trên đây là một khẩu hiệu gồm 11 từ, dùng để tạo cảnh quan trang trí trên đồi Ông Tượng ở tỉnh Hòa Bình. Nó thu hút sự quan tâm dư luận bởi chi phí "chơi lớn" hơn 10 tỷ đồng cho 11 từ trong khẩu hiệu, không những vậy, được xây dựng chồng lên trên 1 dự án kè chống sạt lở.

Công trình được nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình cho biết, trước khi thi công, Sở từng cảnh báo dự án được xây dựng chồng lấn lên dự án chống sạt lở. Nhưng sau đó, các cơ quan chuyên môn vẫn thẩm định rất kỹ về giá và phê duyệt.

Tỉnh lý giải, do địa hình phức tạp, đồi cao; nên công trình cần nhiều giải pháp kỹ thuật, chữ phải đủ to để đọc được. Tỉnh cũng nêu nhiều vật liệu, thông số kỹ thuật, và nhiều hạng mục liên quan để lý giải cho giá thành vô tiền khoáng hậu.

Một câu hỏi hạ gục các nhà nghiên cứu ngành xây dựng, chỉ người thẩm định, phê duyệt mới có thể trả lời: Tại sao một dự án chống sạt lở 340 tỷ đồng còn chưa hoàn thành do thiếu vốn, thì dòng khẩu hiệu đắt đỏ kia lại chồng lên một dự án đang thiếu tiền?

Khi những căn cứ khoa học và con số không thể lý giải nổi, hãy giải nghĩa bằng yếu tố tinh thần. Xét một cách toàn diện, đây cũng chỉ là một sản phẩm hưởng ứng phong trào xây tượng đài, cổng chào, khẩu hiệu đang diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, kể cả trong thời dịch bệnh...

Hoài nghi chất lượng hàng trăm cột điện bị gãy đổ

Những công trình xây dựng bị đặt dấu hỏi về tính hợp lý không chỉ khi đang xây, mà còn lúc bị phá, nghĩa là lúc phát lộ nhiều điểm bất thường bên trong.

Gần 500 cột điện bị bão số 5 quật gãy ngang thân, nhiều cột vừa đưa vào sử dụng, dù đây chỉ là một cơn bão có cường độ không quá mạnh. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về sức chống chịu và độ an toàn của những cây cột điện.

Cơn bão đi qua, những gì còn lại là hệ thống lưới điện bị tê liệt hoàn toàn của Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó là sự lo lắng của người dân khi chứng kiến hàng loạt cột điện bị đứt, lộ ra thép nhỏ, bị cắt đứt ngọn chứ không oằn, uốn cong như cột điện truyền thống.

Điểm tuần: Khẩu hiệu 10 tỷ đồng, SGK lớp 1 mới và các sản phẩm của nghiên cứu - Ảnh 2.

Hàng loạt cột điện bị đứt, lộ ra thép nhỏ, bị cắt đứt ngọn.

Lý giải cho điều này, công ty điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, cột điện dự ứng lực theo công nghệ mới được đưa vào sử dụng năm 2016, sử dụng thép chịu lực đường kính nhỏ, đặc tính giòn, khi gãy là gãy một cách triệt để, chứ không có độ dẻo dai và đàn hồi như cột điện truyền thống.

Các chuyên gia kiến nghị thành lập hội đồng để thanh tra, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị liên quan; trong việc thẩm định, giám sát, thi công cột điện gãy đổ.

Trước khi chờ một cuộc thanh tra, thì một nghiên cứu mới, đã đưa ra gợi ý, chống nạng cho cột điện, giống như cách vẫn làm với cây xanh như thế này.

Bò tót bị "bỏ rơi" khi kết thúc dự án

Trong quá trình nghiên cứu để ra sản phẩm, luôn có những điều khó tin. Tại Vườn quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, có một thành phẩm như vậy, đó là những con bò tót.

Việc khó tin là từ những con bò tót lai to béo, sau 8 năm đưa vào "nghiên cứu", giờ bò trơ xương. Theo lời kể của người chăm sóc, trong quá trình triển khai dự án nghiên cứu, bò tót "mang về" tiền tỷ nên được ăn cỏ tươi. Sau dự án, nhà nghiên cứu khoa học không trở lại, các nguồn vốn không còn rót về, bò chỉ còn ăn rơm.

Điểm tuần: Khẩu hiệu 10 tỷ đồng, SGK lớp 1 mới và các sản phẩm của nghiên cứu - Ảnh 3.

Những con bò tót lai to béo, sau 8 năm đưa vào "nghiên cứu", giờ bò trơ xương.

Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, dự án được bộ khoa học và công nghệ cấp vốn, và giao cho Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng quản lý, đến nay vườn quốc gia Phước Bình vẫn chưa được tiếp nhận lại số bò tót này, nên không thể làm gì khác.

Cũng giống như những chiếc máng cỏ lâu ngày không được sử dụng, sự có mặt của chiếc máy cắt cỏ tươi đã rỉ sét này như chỉ để minh chứng cho một câu chuyện buồn. Nhiều người cho rằng, sau khi dự án nghiên cứu hàng tỷ đồng kết thúc mà chưa có một kết quả rõ ràng, đàn bò tót đã bị bỏ rơi, ngay ở nơi mà chúng từng được nâng niu nhất.

Bò tót là sản phẩm, hay đúng hơn là nạn nhân điển hình của những dự án nghiên cứu tiêu tốn tiền tỷ ngân sách, nhưng không hẹn ngày bàn giao kết quả. Khi "nghiên cứu khoa học" được trưng ra làm tấm khiên, thì chuyện nuôi bò béo thành bò gầy cũng không phải là chuyện hiếm hay khó tin. Một câu hỏi đặt ra: Còn bao nhiêu "công trình nghiên cứu" nữa được chi từ ngân sách mà sau khi kết thúc lại tan biến, mất dạng như chưa từng nghiên cứu?

"Đánh vật" với chương trình Tiếng Việt lớp 1

Một câu chuyện khác ở chiều ngược lại, khi công trình nghiên cứu được đầu tư, dày công tâm huyết, nhưng áp dụng vào thực tế vẫn gây nhiều băn khoăn.

Đó là trường hợp của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong đó có các môn lớp 1 đã qua nhiều công đoạn với quy trình chặt chẽ trước khi ban hành. Có thực nghiệm, có lấy ý kiến góp ý rộng rãi, rồi được Hội đồng quốc gia công bố. Nhưng nhiều phụ huynh vẫn đang phải đánh vật với những bài tập viết, đánh vần cùng con mỗi đêm.

5 rưỡi chiều, vừa mới đi học ở trường về, chị Nga đã phải đánh vật với con ngay ở văn phòng công ty. Nếu đưa con về nhà nghỉ ngơi, thì sẽ không có thời gian để ôn lại bài trên lớp. Học ở đây xong, về nhà tắm rửa, ăn cơm, rồi 2 mẹ con lại lao ngay vào bàn học. Thường phải đến 10h đêm khi con buồn ngủ quá rồi thì buổi học mới kết thúc. Từ lúc khai giảng đến giờ, ngày nào cũng như thế này.

Nội dung 1 số bài cũng bị đánh giá là chưa phù hợp

Phản ánh với phóng viên VTV, chị Nga cho biết, dù 2 bạn lớn cũng học trường công lập, cũng không đi học tiền tiểu học, nhưng chưa khi nào chị phải khổ sở như với cậu con út lên lớp 1 năm nay. Chương trình mới không chỉ nhanh và nặng, mà nội dung 1 số bài cũng bị đánh giá là chưa phù hợp. Như bài tập đọc này: bé Hà bị ho, bà lại mặc kệ bé Hà để bế bé Lê? Hay hình ảnh minh họa cho từ ga thì lại là cái tàu hoả?

Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, phóng viên VTV đã thử đăng một status trong một group dành cho các giáo viên trên Facebook. Chỉ trong 1 ngày,đã thu hút hàng trăm like và bình luận. Các giáo viên trên cả nước đã phản ánh như sau:

Trả lời họp báo Chính phủ ngày 2/10, phía Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, đến nay, Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các nhà khoa học về việc này. Cần có thời gian để đánh giá, cũng như luôn có hướng mở để điều chỉnh kịp thời nếu phát sinh vấn đề.

Đầu tư cho khoa học không phải chắc chắn có kết quả đầu ra, vì thực tế, trong 10 dự án, chỉ cần 1 dự án thành công, thì lợi ích đã nhân lên gấp nhiều lần.

Để phát minh ra bóng đèn, Edison đã mất 10.000 lần nghiên cứu. Với ông, đó không phải là thất bại mà là 10.000 cách chưa hiệu quả.

Tất cả để nói lên rằng: Kết quả của những nghiên cứu đúng nghĩa mới tạo ra thứ sản phẩm có giá trị.

Phụ huynh than 'nặng', giáo viên 'đánh vật' với chương trình tiếng Việt lớp 1 Phụ huynh than "nặng", giáo viên "đánh vật" với chương trình tiếng Việt lớp 1

VTV.vn - Sau 3 tuần áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng chương trình lớp 1 năm nay quá nặng đối với trẻ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước