Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 14/01/2023 13:39 GMT+7

VTV.vn - Chỉ trong một tuần qua đã có nhiều sự việc “viral” trên mạng xã hội khiến mọi người quay cuồng.

Trong tiếng Anh, "viral được hiểu là lan truyền nhanh chóng, còn dịch nôm sang tiếng Việt nghĩa là những chuyện diễn ra trên mạng khiến dân tình phát rồ lên. Đầu tiên phải đề cập đến "video clip viral". Chúng ta đều biết để tạo ra một video clip không hề khó nhưng để tạo ra một "video clip viral" thì lại không hề dễ. Nếu như trước đây, đa phần đều đợi thần may mắn gõ cửa thì nay, những nhà sáng tạo nội dung đã sử dụng đến một công thức đó là trục lợi niềm tin của khán giả trước những vấn đề, sự việc, hiện tượng mà khán giả thiếu thông tin kiểm chứng.

Những "video clip viral" toàn thông tin bịa đặt

Việc tháo thụt đại trực tràng bằng cà phê để thanh lọc cơ thể trước Tết, có thể trị được bách bệnh, thậm chí cả ung thư hiện đang được nhiều hội nhóm rủ nhau thực hiện. Kỳ lạ thay, lời quảng cáo của những người sáng tạo nội dung mà khán giả chưa bao giờ gặp ngoài đời lại có sức nặng hơn lời cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng của các bác sĩ.

Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 1.

Hay mới đây nhất là vụ việc gây xôn xao mạng xã hội về một bạn nữ nhảy lầu tự tử sau khi bị xâm hại. Video clip có nội dung mù mờ, chưa được kiểm chứng nhưng lại được lan truyền kèm thông tin bịa đặt với tốc độ nhanh hơn gió khiến cư dân mạng sục sôi, đòi thực hiện công lý với một nhân vật thậm chí còn chưa từng tồn tại. Sự việc nghiêm trọng đến mức độ các bên liên quan là trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT) và Quân khu 7 phải mở một cuộc họp báo đính chính thông tin. Đồng thời, Chính ủy Quân khu 7 đề nghị các cơ quan chức năng căn cứ Luật An ninh mạng để khởi tố vụ án, điều tra các tài khoản vu khống để xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua sự việc trên, có thể rút ra kết luận rằng: Niềm tin, chính nghĩa và sự đấu tranh tất cả đều đúng, chỉ có điều sự thật thì lại sai bét nhè. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao nhiều người lại dễ dàng tin vào những thông tin đưa ra trên mạng xã hội như vậy để rồi chính lượt xem của họ lại góp phần tạo ra những video clip fake triệu view? Nhiều nhà phân tích tâm lý học cho rằng, một trong những lý giải nằm ở chỗ công chúng chỉ muốn tin điều họ muốn tin, bất luận sau đó tin tức được đính chính như thế nào chăng nữa. Trên môi trường Internet, cảm xúc và quan điểm cá nhân dường như đáng tin hơn những thông tin được đưa ra. Hoặc, rất nhiều người bị lừa, chỉ vì các đối tượng xấu đã giăng sẵn một vở kịch tinh vi trên mạng xã hội nhằm săn con mồi.

Nhiều chiêu trò tạo niềm tin để lừa đảo trực tuyến

Tuyển dụng mẫu nhí cho chương trình Tết của Đài Truyền hình Việt Nam - bài đăng trên trang mạng xã hội này có gần 4.000 người theo dõi. Địa chỉ: 43 Nguyễn Chí Thanh, số hotline khi gọi đến cũng khẳng định là bộ phận của nhà Đài.

Tự tạo phần giới thiệu hoàn toàn giả mạo là thủ đoạn đầu tiên của các đối tượng để thu hút người dùng kết nối khiến nhiều người tin là thật. Khi đã vào nhóm chát, không chỉ gửi hình ảnh căn cước công dân, để tạo tâm lý hoàn toàn tin tưởng cho các nạn nhân thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền tăng tương tác trực tuyến, các đối tượng lừa đảo còn gửi thông tin về tài khoản được chỉ định. Một hình ảnh giả mạo website của Đài Truyền hình Việt Nam với đoạn thông tin về cơ quan chủ quản, tên đại diện, tên ngân hàng cùng số tài khoản cũng được cung cấp.

Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 2.
Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 3.

Trong cùng một nhóm chát, các đối tượng sẽ phân vai công tác viên và các "phụ huynh ảo". Các "phụ huynh ảo" sẽ làm nhiệm vụ rất nhanh chóng, chuyển khoản và nhận tiền hoàn. Thời gian thực hiện nhiệm vụ cũng rất giới hạn, tạo tâm lý thôi thúc nạn nhân thực hiện chuyển tiền.

Khi nạn nhân bắt đầu lo lắng, các đối tượng vẫn tiếp tục tung chiêu trò thôi thúc nạn nhân chuyển khoản theo cấp số nhân để nhận hoàn tiền. Thậm chí, khi phóng viên trực tiếp liên hệ, đối tượng vẫn trắng trợn tự nhận mình là nhân viên đang công tác tại Đài Truyền hình.

Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 4.

Dĩ nhiên, đối tượng lừa đảo sao có thể ở đây được dù nơi phóng viên đứng đúng là tầng làm việc của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam.

Như vậy, công thức thứ hai để tạo ra các "video clip viral" rất đơn giản đó là tìm ra đâu là sức nặng trong việc xây dựng niềm tin của người xem. Như ở trên, những kẻ lừa đảo đã sử dụng mác VTV - Đài Truyền hình Việt Nam để người dân tin tưởng.

"Câu like" nhờ yếu tố tâm linh và lòng trắc ẩn

Trường hợp của gia đình ở Hậu Giang lại khác, họ chọn yếu tố thần bí hơn là tâm linh để tạo niềm tin cho người xem. Câu chuyện này đã gây xôn xao truyền thông hơn 1 tháng nay.

Theo gia đình này, hơn 1 tháng trời, đồ đạc trong nhà cứ tự bốc cháy. Nhưng sự thật, không có yếu tố tâm linh nào, chỉ đơn giản là gia đình này tự đốt đồ rồi tự thêu dệt nên câu chuyện kỳ bí về đồ đạc trong nhà tự bốc cháy bất thường. Mục đích của hành vi trên là nhằm tạo thông tin hiếu kỳ cho người dân, cung cấp thông tin cho các báo, đài và các YouTubers đăng bài để nhận được sự ủng hộ của mạnh thường quân.

Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 5.

Kết quả, gia đình đã nhận được số tiền hơn 6 triệu đồng từ các mạnh thường quân. Dĩ nhiên, họ cũng sẽ nhận thêm hồ sơ của công an huyện để chịu xử lý hành vi theo đúng quy định của pháp luật.

Một câu chuyện khác cũng "viral" là phóng sự điều tra về nghề vô gia cư của Chuyển động 24h khi có hàng triệu lượt tiếp cận trên Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24. Theo phóng viên thực hiện phóng sự, người phụ nữ giả làm người vô gia cư có sổ đỏ 134m2 đã lên đồn công an thề, hứa, đảm bảo rất nhiều lần rằng sẽ không bao giờ ra vỉa hè để xin quà từ thiện từ lòng trắc ẩn của người dân nữa. Nhưng được mấy hôm bà lại hành nghề cũ.

Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 6.
Điểm tuần: Đau đầu với những câu chuyện “viral” trong tuần - Ảnh 7.

Đánh vào lòng trắc ẩn cũng là một trong các yếu tố kích thích con người bấm vào những nút "like" với mong muốn chia sẻ yêu thương, khó khăn với những hoàn cảnh cơ nhỡ. Dĩ nhiên, nhiều đối tượng cũng lợi dụng tâm lý tốt đẹp này của người dân để trục lợi.

Gần đây, người ta hay nói: "Ngày trước lên mạng xã hội để có kiến thức, còn ngày nay phải có kiến thức mới lên mạng xã hội". Một nửa chiếc bánh mỳ vẫn là chiếc bánh mỳ. Nhưng một nửa sự thật trên mạng xã hội rất có thể lại là sự giả dối. Cảnh giác trước những thông tin xấu, độc, dàn dựng trên mạng xã hội không bao giờ là thừa bởi quyền bấm nút "like" hay "share" vẫn là nằm ở bạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước