Đây là lần thứ 3 trong vòng 15 năm trở lại đây, Thành phố xây dựng chính sách này để giải quyết một vấn đề nóng trong quản lý đô thị.
Trước nay, các chiến dịch dọn dẹp trật tự vỉa hè dù quy mô và quyết tâm đến đâu thì chỉ sau một thời gian lại như "bắt cóc bỏ dĩa". Bởi không chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu hết tại các đô thị Việt Nam, lòng đường - hè phố (vỉa hè) không chỉ là chỗ dành cho người đi bộ, đó còn là không gian của văn hóa, kinh tế. Vấn đề là làm thế nào để hài hòa các nhu cầu sử dụng cả công lẫn tư, đồng thời có nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư không gian đặc biệt này?
Đây là lần đầu tiên việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố không chỉ dành cho dịch vụ trông giữ hay đậu đỗ xe, mà mở rộng thêm 5 loại hình hoạt động khác. Trong đó, đáng chú ý là điểm tổ chức kinh doanh, dịch vụ mua bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải của các công trình xây dựng, lắp đặt các công trình tạm. Đây là 3 hoạt động thường đứng đầu trong danh sách xử phạt vì vi phạm trật tự đô thị. Song song với danh mục 6 hoạt động thuộc diện thu phí, Đề án cũng quy định 8 loại hình được miễn phí.
Mức thu phí không được quy định đồng loạt mà áp dụng theo 5 khu vực trên cơ sở bảng giá đất. Tại mỗi một khu vực cũng được phân chia thành 2 nhóm là tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại. Mức phí cũng còn được chia ra thành 2 loại là phí giữ xe và phí cho các hoạt động còn lại với mức dao động từ 20 đến 350.000 đồng/m2/tháng.
Sở Giao thông vận tải và UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức sẽ là đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí. 100% số thu nộp vào ngân sách. Chi phí cho vận hành hoạt động này được lập và cấp theo dự toán hàng năm.
Những băn khoăn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Một khảo sát do ban soạn thảo Đề án thực hiện tại quận 1, Gò Vấp và Bình Tân cho thấy: 48% chủ các cửa hàng, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng thuận với việc thu phí cũng như với mức phí được đề xuất. Mặc dù được đánh giá là có nhiều đổi mới so với 3 đề án mà Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong vòng 15 năm nay, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn được cư dân thành phố trực tiếp bày tỏ trong hội nghị lấy ý kiến phản biện với Đề án.
Ước tính nếu thực hiện Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường - hè phố, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm vào ngân sách trên 1.520 tỷ đồng mỗi năm. Con số này rất lớn nếu so với tổng thu phí giữ xe trên 20 tuyến đường từ tháng 8.2018 đến nay, là hơn 13 tỷ đồng.
Nhưng tăng nguồn thu không phải là mục đích chính của Đề án. Những băn khoăn của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nói lên điều đó. Liệu có cơ sở thực tiễn nào để Đề án không lặp lại "vết xe đổ" của những lần trước khi nguồn thu và cả mục tiêu quản trị đô thị đều không như kỳ vọng?
Thu phí không phải là hợp thức hóa chiếm dụng vỉa hè
Dù tốn gần 30 triệu đồng thuê nguyên căn nhà mặt tiền nhưng vợ chồng chị Huỳnh Hân (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) sẵn sàng nộp thêm 100.000 đồng/m2/tháng cho việc sử dụng vỉa hè phía trước nhà. Bởi chi phí đội lên không nhiều mà lại không cần lo lắng chuyện bị phạt do vi phạm.
Sự đồng thuận của người dân là thuận lợi đầu tiên. Tuy nhiên, với ¼ trong gần 50.000 tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đủ điều kiện để thực hiện 6 hoạt động có thu phí sử dụng tạm thời theo đề án mới, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp gì để tránh hợp thức hóa chiếm dụng vỉa hè như lo ngại.
Đây không chỉ là lý thuyết mà quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng cho một số tuyến đường trung tâm dù không thu phí trong hơn 1 năm qua. Và thực tiễn cho thấy, việc phân định rõ ràng không chỉ thuận tiện cho quản lý mà cả với kinh tế vỉa hè. Ngoài ra, việc minh định rõ ràng phạm vi sử dụng cũng sẽ là nền tảng cho sử dụng các ứng dụng quản lý đô thị hiện được dùng tại nhiều địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!