Theo thống kê của trang VN Express, hơn 20.000 vé tàu điện tử đã được bán ra trong ngày đầu tiên triển khai hình thức này là ngày 1/9. Trong số đó, có gần 600 vé được bán qua mạng Internet.
Việc tự đặt chỗ rồi thậm chí tự in tấm vé tàu ngay tại nhà đối với nhiều hành khách còn rất lạ lẫm. Nhưng mô hình mua vé này được đánh giá là có rất nhiều cái lợi.
Theo báo Người Lao động, tại ga Sài Gòn, việc mua vé điện tử kết hợp với thắt chặt kiểm tra vé và giấy tờ tùy thân hành khách trước khi lên tàu hy vọng sẽ triệt được tình trạng “cò” mua vé với tên của người này rồi bán lại để ăn tiền chênh lệch.
Còn với những ai đã quen thao tác máy vi tính, truy cập Internet sẽ không khó để tìm đường mua vé trên 3 địa chỉ web bán vé chính thức. Nếu có máy in ở nhà hay sở hữu điện thoại thông minh, hành khách thậm chí không cần làm thủ tục tại nhà ga mà chỉ cần tự in vé hoặc đưa mã code để nhân viên trên tàu quét mã.
Thậm chí, nếu mất vé lên tàu, hành khách cũng chỉ cần khai lại đúng thông tin cá nhân như khi đăng ký là được nhân viên nhà ga cấp thẻ mới từ các dữ liệu lưu sẵn trên hệ thống.
Tuy vậy, sau 2 ngày đầu tiên đi vào hoạt động thì những hành khách vẫn còn gặp nhiều khó khăn với vé điện tử. Trong buổi sáng ngày đầu tiên, cả 3 trang web bán vé là dsvn.vn; vietnamrailway.vn và vetau.com.vn đều không thể truy cập được do phải bảo trì.
Báo Tuổi trẻ có đoạn: “Nhiều hành khách do còn lo lắng sợ nhầm lẫn thông tin nên vẫn trực tiếp đến ga để mua vé giấy. Còn về phía nhân viên do vẫn chưa quen các thủ tục đặt vé điện tử trong ngày đầu tiên áp dụng nên việc mua bán vé còn diễn ra khá chậm”.
Mô hình vé tàu điện tử sẽ được Tổng Công ty Đường sắt VN triển khai trong vòng 7 năm. Vượt qua những bỡ ngỡ và sai sót trong thời gian đầu, đây là một mô hình tiện lợi, giảm thiểu được tiêu cực gian lận. Với những quốc gia đã áp dụng bán vé tàu điện tử, mô hình này đều cho thấy sự tiết kiệm tối đa về thủ tục cũng như thời gian.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!