Ngay sau khi phát hiện và công bố dịch, chính quyền địa phương tại đây đang nỗ lực khoanh vùng, dập dịch.
Tuy nhiên, hiện tại hầu hết gia súc tại đây chưa được tiêm phòng bệnh. Điều này khiến việc dập dịch và phòng tránh dịch lây lan dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cách đây vài ngày, trong lúc chăm sóc đàn bò của gia đình, anh Diu tại làng Bông Pim, xã Đăk Jơ Ta phát hiện một số con bò có biểu hiện bị bệnh. Không tự chăm sóc bò bệnh, anh Diu đã báo cáo với chính quyền địa phương. Qua kết quả kiểm tra dịch tễ xác định, cả đàn bò của anh đều đã bị nhiễm bệnh lở mồm long móng.
Chính quyền huyện Mang Yang hỗ trợ người dân cách phòng và điều trị bệnh lở mồm long móng. (Ảnh: TTXVN)
"Ngày đầu tiên phát hiện bò bị chảy nước miếng, còn chân thì chưa phát hiện. Phát hiện thấy vậy, mình đi báo cho xã và xã nói có triệu chứng lở mồm. Ngay sau đó về kiểm tra lại thì phát hiện bị long móng ở dưới chân", anh Diu, làng Bông Pim, xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang, Gia Lai, chia sẻ.
Xác định đây là ổ dịch có nguy cơ lây lan diện rộng, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra, vào vùng dịch.
"Tuyên truyền, vận động người dân tổ chức cách ly những con bị bệnh và những con đang khỏe mạnh; đồng thời phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện để tổ chức điều trị cho những con đang bị bệnh", ông Nguyễn Phi Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Jơ Ta, Mang Yang, Gia Lai, cho biết.
Đến nay, tại xã Đăk Jơ Ta đã phát hiện gần 60 con trâu, bò của 22 hộ dân mắc bệnh lở mồm long móng. Số lượng gia súc mắc bệnh gia tăng trong thời gian ngắn, nhưng việc tiêm phòng còn hạn chế do thiếu vaccine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!