Dịch COVID-19 đã giảm sâu, tiêm vaccine mũi 3, 4 liệu có cần thiết?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/06/2022 06:01 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người đang có tâm lý chủ quan, ngại tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4 trong khi việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết do kháng thể yếu đi theo thời gian.

Từ cuối tháng 3 đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca. Cuôc sống đã trở lại gần như bình thường ở mọi lĩnh vực, khẩu hiệu 5K đã được Bộ y tế đề xuất thay thế chỉ còn 2K. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt, và vaccine vẫn là lá chắn an toàn nhất bảo vệ chúng ta. Thế nhưng Bộ Y tế mới đây cho biết số lượng vaccine phòng COVID-19 tồn kho đang khá lớn, do tiến độ tiêm mũi tăng cường hiện đang còn chậm tại nhiều địa phương. Tại nhiều nơi, nguy cơ phải hủy bỏ 1 lượng lớn vaccine do sắp hết hạn sử dụng.

Người dân chủ quan, ngại tiêm vaccine phòng COVID-19

Bắt đầu từ đầu tháng 6, nhiều quận, huyện ở Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm mũi 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu trên 95% các đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, thực tế tốc độ triển khai đang còn khá khiêm tốn, một phần do tâm lý e ngại của người dân.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay: "Vấn đề tâm lý người dân, thực tế hiện nay do tình hình dịch bệnh đã giảm rất sâu, số ca mắc mới thấp, đặc biệt rất ít trường hợp tử vong, số người dân đã bị mắc bệnh tương đối cao từ đó dẫn đến tâm lý không muốn tiêm tiếp mũi thứ 4".

Thực tế không chỉ Hà Nội, không ít các địa phương khác cũng gặp vấn đề tương tự.

Theo các chuyên gia, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại khi kháng thể yếu đi theo thời gian là điều rất cần thiết, đặc biệt với các đối tượng trong nhóm được khuyến cáo, trong bối cảnh biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có chiều hướng gia tăng tại một số nước trên thế giới.

Ông Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: "Có nhiều trường hợp đã tiêm hai mũi rồi nhưng mà khoảng thời gian đã khá xa thì lại nhiễm hoặc thậm chí là nhiễm rồi lại tái nhiễm. Việc tái nhiễm đó khiến virus có cơ hội duy trì trong cộng đồng và tiếp tục biến đổi cho nên cần giữ nền miễn dịch ở mức độ cao thông qua việc tiêm chủng là hết sức cần thiết".

Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mũi tiêm 4 vaccine COVID-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới. Các chuyên gia khuyến cáo: Chần chừ trong việc tiêm mũi nhắc lại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tăng khả năng trở nặng khi nhiễm bệnh và hơn thế nữa là làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Dịch COVID-19 đã giảm sâu, tiêm vaccine mũi 3, 4 liệu có cần thiết? - Ảnh 1.

Nhiều người dân ngại tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với nhiều nhánh phụ; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Trên thế giới, nhiều nước đã tiến hành tiêm mũi 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Trẻ em từ 5-11 tuổi cũng được tiêm mũi thứ 3.

Tiêm mũi tăng cường là cần thiết, nhiều nước đã ‘phủ’ mũi 4

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vaccine phòng COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và 1 nghiên cứu từ Canada. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù tiến hành các nghiên cứu khác nhau nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vaccine phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Ngay đầu năm nay, Israel đã tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người dân.

Đối tượng được ưu tiên tiêm trước là người già, người bị suy giảm miễn dịch và người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm virus.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản cũng đã tiến hành tiêm mũi 4 cho người dân. Đối tượng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là người già và người có hệ miễn dịch suy yếu.

Ở châu Âu, Đan Mạch là nước đầu tiên tiến hành tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho các công dân dễ bị tổn thương nhất. Tiếp đó là một loạt các quốc gia ở châu lục này như Bỉ, Anh, Hungary, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển… cũng lần lượt tiêm mũi thứ 4 cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Mỹ cuối tháng 3/2022 cũng cấp phép tiêm liều thứ 4 vaccine COVID-19 cho công dân từ 50 tuổi trở lên do lo ngại làn sóng lây lan của các biến thể virus mới. Các loại vaccine được cấp phép sử dụng là vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna's.

Theo Tiến sĩ Peter Hotez - Giám đốc Trung tâm Phát triển vắc-xin, Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ, tiêm liều thứ 4 là cần thiết. "Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho thấy rằng, sau vài tháng kể từ lần tiêm nhắc lại đầu tiên, hiệu quả của vaccine đã có những suy giảm nhất định. Kết quả này vẫn tốt, nhưng không được như kỳ vọng. Ngoài ra, chúng tôi có dữ liệu từ Israel rằng hiệu quả của vaccine sẽ khôi phục nếu bạn được tiêm liều thứ tư".

Nhiều chuyên gia cho rằng tiêm tăng cường sẽ có thể phải thực hiện hàng năm như vaccine phòng cúm và có thể một ngày nào đó, sẽ gộp vaccine phòng cúm với COVID-19.

Cũng theo nhiều chuyên gia, dù chưa thể biết liệu có phải tiêm phòng COVID-19 suốt đời như tiêm phòng cúm hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu còn nhiều người chưa tiêm phòng thì số ca nhiễm còn tăng và đó chính là điều kiện để nhiều biến thể mới xuất hiện, khiến chúng ta cần phải tiêm nhắc lại.

Dịch COVID-19 đã giảm sâu, tiêm vaccine mũi 3, 4 liệu có cần thiết? - Ảnh 2.

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Việt Nam từng lọt vào top 6 quốc gia tiêm phủ vaccine đạt tỷ lệ cao nhất thế giới. Nhưng giờ lại có nguy cơ ngủ quên trên chiến thắng. Bộ Y tế cho biết, số vaccine đã tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên. Nhưng vaccine nào cũng có thời hạn sử dụng, nếu không được tiêm kịp thời sẽ gây ra sự lãng phí vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước. Quan trọng hơn là, nguy cơ bùng phát một làn sóng dịch bệnh mới rất có thể xảy ra nếu khả năng miễn dịch cộng đồng không được củng cố bằng mũi tiêm tăng cường.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta đã quá thấm thía bài học ấy sau 2 năm đại dịch, và giờ là lúc mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tránh tâm lý chủ quan, tham gia tiêm chủng đầy đủ, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Theo mục tiêu của Chính phủ, cả nước phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi vào cuối quý I năm 2022. Tuy nhiên đã sắp hết quý II, tỷ lệ mới đạt gần 65%, trong khi những biến thể mới của COVID-19 bắt đầu tấn công nhiều nước trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.

Tại sao tiến độ tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu? Nguy cơ nào tiềm ẩn nếu tình hình không sớm cải thiện?

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước