Người dân vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang phòng dịch khi đi lại trong ngày Tết. Ảnh: TTXVN
Thời tiết thuận lợi lây lan dịch bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, số ca mắc COVID-19 giảm mạnh; riêng 4 ngày đầu năm mới, số ca mắc COVID-19 đều ở mức dưới 10 ca/ngày; số ca nặng phải thở oxy cũng luôn ở mức 1 con số, có ngày chỉ còn dưới 5 ca. Liên tục nhiều ngày qua, Việt Nam cũng không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tuy dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Đặc biệt, hiện là giai đoạn giao mùa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dễ dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số nhiễm, số ca nặng, nhất là với nhóm trẻ em sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.
Đặc biệt, vừa qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện biến thể XBB đã lây lan ở nhiều quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 cũng đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ. WHO dự báo chủng XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các chủng phụ của Omicron khác trong thời gian tới. Đáng chú ý, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn so với các biến thể khác của Omicron; mặc dù vậy, vaccine phòng COVID-19 hiện tại vẫn có thể phòng khả năng diễn biến tình trạng bệnh nặng, tử vong.
Luôn giữ tinh thần cảnh giác phòng dịch
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong giai đoạn này, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh linh hoạt, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát biến thể mới bằng cách làm việc sát sao với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi người dân vẫn cần phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... để tránh lây lan dịch bệnh.
Hiện các địa phương vẫn đang tích cực triển khai các phương án phòng dịch COVID-19, ngăn chặn không để dịch bùng phát trong năm mới. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết để nâng cao miễn dịch cộng đồng.
Tại Hà Nội, để tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, Sở Y tế Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19; đề nghị các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị, đảm bảo nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, vật tư, thuốc, dịch truyền… đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh; quản lý, điều trị người bệnh theo mức độ lâm sàng, yếu tố nguy cơ, xử trí kịp thời, điều trị tích cực người bệnh nặng, hạn chế tử vong; quản lý tốt người bệnh theo dõi, cách ly tại nhà, kịp thời phát hiện sớm tình trạng người bệnh chuyển nặng để chuyển tuyến.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo việc tập huấn, nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, hướng dẫn về an toàn phòng, chống dịch, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, xử lý chất thải lây nhiễm… cho nhân viên y tế. Đồng thời, tăng cường hội chẩn liên khoa, liên viện, hội chẩn với tuyến trên để bảo đảm tốt công tác điều trị, hạn chế tối đa chuyển viện lên tuyến trên; tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, hạn chế lây lan dịch bệnh trong cơ sở y tế; bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 khi được phân giao vaccine, chú trọng quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi... Đồng thời, tăng cường truyền thông tại sân bay, nhà ga, bến xe... và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khuyến cáo người dân chủ động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự phòng cá nhân…
Khuyến cáo người dân dự phòng lây lan dịch bệnh trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể mới, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Những loại vaccine COVID-19 được WHO phê chuẩn vẫn đang chống chọi tốt với các biến thể mới và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với những biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung, đó là: Đeo khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách, rửa tay thường xuyên... Người lớn và trẻ em cần được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được ngành y tế khuyến nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!