Đề xuất xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ tại Nha Trang

Linh Chi - D.T.-Chủ nhật, ngày 05/03/2023 06:37 GMT+7

VTV.vn - Việc xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ được xem là giải pháp thiết thực để điều trị kịp thời cho người bị đột quỵ.

Chiều 3/3, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ liên quan đến xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ tại TP. Nha Trang.

Tại buổi làm việc, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ giới thiệu chung về bệnh đột quỵ trên thế giới và tại Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu tổng quan về các danh mục kỹ thuật  và dịch vụ y tế cũng như trang thiết bị, nhân lực của bệnh viện, nhất là trong khám và điều trị đột quỵ. Đồng thời, đề xuất đơn vị sẽ đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ tại TP. Nha Trang với quy mô từ 300 - 500 giường, thực hiện các dịch vụ y tế về chẩn đoán sớm và điều trị phòng ngừa đột quỵ; can thiệp mạch máu tạng - chi; phẫu thuật thần kinh; can thiệp cấp cứu sống còn,…Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng. 

Đề xuất xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ tại Nha Trang - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, tỉnh rất quan tâm, hoan nghênh đề xuất này, sẽ tạo điều kiện để Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ sớm thực hiện dự án; đồng thời sẽ khẩn trương hoàn chỉnh các văn bản để trình xin ý kiến về vấn đề này tại kỳ họp giữa năm 2023 của HĐND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao TP. Nha Trang tìm quỹ đất để triển khai dự án; Sở Y tế phối hợp với các sở ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc có thể xảy ra để dự án sớm triển khai.

Theo Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, bình quân hàng năm, bệnh viện điều trị khoảng 20.000 - 30.000 ca đột quỵ thuộc các tỉnh miền Tây và một vài địa phương khác ở trong, ngoài nước với tỷ lệ điều trị thành công trong thời gian vàng đạt khoảng 90%. 

Tỉnh Khánh Hòa năm 2022 xảy ra khoảng 2300 ca đột quỵ. Việc chủ động tầm soát và cấp cứu đột quỵ kịp thời trong "giờ vàng" bằng các kỹ thuật hiện đại sẽ giúp nâng cao cơ hội sống sót, phục hồi tốt cho người bệnh. Vì vậy, việc xây dựng bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ được xem là giải pháp thiết thực để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong cho người bị đột quỵ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước