Đề xuất quy định về thực hành công tác xã hội

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ năm, ngày 12/12/2024 21:14 GMT+7

VTV.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hành công tác xã hội.

Đề xuất quy định về thực hành công tác xã hội - Ảnh 1.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về thực hành công tác xã hội

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về nội dung, tổ chức việc thực hành công tác xã hội đối với người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

Dự thảo nêu rõ, người thực hành được thực hiện các hoạt động chuyên môn phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, chăm sóc, phục hồi hỗ trợ phát triển, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng dưới sự giám sát của người hướng dẫn thực hành (Người hướng dẫn thực hành đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP).

Thực hành phải thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.

Theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.

Hành nghề công tác xã hội là những hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện chuyên môn sâu (hoạt động phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, chăm sóc, phục hồi hỗ trợ phát triển, tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng công tác xã hội) của người làm công tác xã hội được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội theo quy định.

Người thực hành phải tuyệt đối tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và tôn trọng quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Người thực hành phải bảo đảm hoàn thành đầy đủ nội dung thực hành và bảo đảm đủ thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trường hợp viên chức hoặc người lao động được cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội tuyển dụng vào làm công tác chuyên môn tại cơ sở mà chưa có giấy đăng ký hành nghề công tác xã hội, thì người đã được tuyển dụng cũng phải thực hành với cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đó và được phân công người hướng dẫn thực hành theo quy định.

Thời gian, nội dung thực hành công tác xã hội

Thời gian thực hành tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội được đề xuất như sau: Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng; thời gian thực hành đối với trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng; thời gian thực hành đối với trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng.

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về công tác xã hội, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề công tác xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề công tác xã hội.

Tiếp nhận người thực hành

Theo dự thảo, người thực hành nộp giấy đề nghị thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.

Cơ sở hướng dẫn thực hành phải tiếp nhận người thực hành theo Kế hoạch hướng dẫn thực hành đã công bố công khai. Trường hợp không tiếp nhận thì phải có văn bản phản hồi cho người thực hành biết và nêu rõ lý do.

Phân công người hướng dẫn thực hành

Dự thảo nêu rõ, người đứng đầu cơ sở hướng dẫn thực hành phải phân công người hướng dẫn thực hành cho người thực hành theo quy định khoản 2 Điều 36 Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.

Trường hợp có nhiều người hướng dẫn thực hành cho một người thực hành thì phải phân công rõ phạm vi hướng dẫn và thời gian hướng dẫn thực hành cụ thể của từng người hướng dẫn.

Theo dõi, quản lý, đánh giá quá trình thực hành và xác nhận quá trình thực hành

Theo dự thảo, cơ sở hướng dẫn thực hành phải phân công đơn vị chức năng theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động hướng dẫn thực hành của cơ sở mình.

Người trực tiếp hướng dẫn thực hành đánh giá, nhận xét quá trình thực hành của người thực hành theo từng nội dung quy định trong Mẫu Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực hành. Việc đánh giá, nhận xét phải được thực hiện ngay sau khi người thực hành hoàn thành từng nội dung thực hành. Người hướng dẫn thực hành hướng dẫn nội dung nào thì phải nhận xét theo nội dung đó.

Căn cứ Phiếu đánh giá, nhận xét quá trình thực hành, người đứng đầu đơn vị, cơ sở cấp Giấy xác nhận quá trình thực hành cho người thực hành theo Mẫu 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 110/2024/NĐ-CP.

Chi phí hướng dẫn thực hành

Các cơ sở hướng dẫn thực hành tự xác định chi phí thực hành theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí để hướng dẫn thực hành trên cơ sở lấy thu bù chi; việc hạch toán, thu chi, thanh quyết toán phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ sở thực hành phải công bố công khai chi phí hướng dẫn thực hành trên Trang thông tin điện tử của cơ sở hướng dẫn thực hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước