Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống

Quốc Thái - Đắc Hiến-Thứ ba, ngày 02/08/2022 13:11 GMT+7

VTV.vn - Nơi nào còn rừng, có đê thì nơi đó dân còn yên ổn. Ngược lại, những nơi mất rừng hay chưa có đê thì người dân buộc phải di dời, làng xóm cũng không còn.

Nói đến biển Tây là nói đến vùng cực Nam của Tổ quốc. Từ chỗ là vùng đất bồi, hàng trăm đời nay luôn lấn ra biển thì những năm gần đây, biển lại đang có xu hướng lấn trở lại đất liền. Trước đây, những cánh rừng mắm, rừng đước kéo dài ra biển như một lớp áo giáp che chở cho những ngôi làng thì nhiều nơi giờ chỉ còn lại những xác cây trơ ra trước sóng. Nơi nào còn rừng, có đê thì nơi đó dân còn yên ổn. Ngược lại, những nơi mất rừng hay chưa có đê thì người dân buộc phải di dời, làng xóm cũng không còn.

Gian nan cuộc chiến giữ đất sống

Ngồi trong căn nhà còn sót lại cuối cùng của ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Tuấn - người từng một thời có đời sống sung túc, nhưng nay nguy cơ rơi vào cảnh trắng tay bởi biển đã lấy mất hết đất nhà ông.

Theo lời ông Tuấn, hồi đó, mỗi lần muốn lội ra biển là mỗi lần vất vả bởi rừng thì cứ lấn xa ra, nhà thì bị bỏ lại sâu trong đất liền. Thế rồi mới hơn chục năm nay, những cây rừng mất dần bởi sóng cuốn, biển cứ thế ăn sâu vào đất liền khiến cho nhiều người không trụ được, bỏ đất đi nơi khác tìm sinh kế. Còn gia đình ông không đi được là vì không còn vốn lận lưng, đành chịu ở lại chờ nhà nước sắp xếp cho một chỗ tái định cư.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Ảnh 1.

Rừng mắm trước nhà ông Tuấn giờ chẳng còn một cây, biển thì cũng đã lấn sát nhà nhưng may mắn, con đê bê tông đã được xây lên. Tuy nhiên bờ đê cũng chỉ che chở được vài tháng mùa biển yên. Đến mùa gió nam thổi vào, triều lên và sóng dữ đã tràn hẳn qua thân đê, rồi nhà cửa, đồ đạc bị ngập và trôi mất, càng thấy cuộc chiến giữa người và sóng biển chưa biết đến hồi nào mới kết thúc.

Thiệt hại do sạt lở ở Cà Mau

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, chỉ trong 10 năm trở lại đây, tỉnh này đã mất đến: Gần 9.000 hecta rừng phòng hộ ven biển; diện tích đất bị mất tương đương diện tích một xã; đê biển Tây bị xói lở đến 57km. Trong năm 2022 này, dù mới chỉ có 1 đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa dông và triều cường, thế nhưng đã có những thiệt hại nặng nề về tài sản, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân biển Tây. Gần 1.200 căn nhà tại các xã ven biển bị thiệt hại; thiên tai còn làm 2 người chết và bị thương; hơn 345 ha lúa bị gãy đổ; hơn 100m đê bị sạt lở...

Những ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cùng với Hạt Quản lý Đê điều đang khẩn trương kiểm tra những đoạn đê biển Tây có nguy cơ bị sóng đánh tràn qua để xây kè chắn nước. Và dù biển đã lặng, nắng đã lên, nhưng chỉ cần một cơn gió nổi lên là những căn nhà ven biển lại đứng trước nguy cơ có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Khi đê biển Tây được đặt trong tình huống khẩn cấp

Tại đê biển Tây, đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cách đây ít hôm, triều cường kết hợp mưa giông đã khiến những đợt sóng đánh vào thân đê, tràn vào vùng ngọt hóa. Ở những nơi không còn rừng, các đợt sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng nguy cơ vỡ đê đã hiện hữu.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Ảnh 2.

Trước tình trạng sóng lớn uy hiếp đê biển, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh; đồng thời hàng loạt biện pháp ứng phó, khắc phục được triển khai nhằm hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn việc gia cố các đoạn này gặp rất nhiều khó khăn.

Trận mưa dông chỉ kéo dài vẻn vẹn có 3 ngày đã làm ngập úng nhiều diện tích lúa khu vực phía trong đê. Một vụ mùa khó khăn đang ở trước mắt hàng ngàn nông dân, khi thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp.

Có một thực tế là hầu như năm nào, đê biển Tây cũng bị đe dọa, đặt các địa phương vào tình thế phải ứng phó để tránh xảy ra tình huống xấu nhất. Trong khi đó, hệ thống đê biển Tây ở Cà Mau mới chỉ có gần 52 km được kiên cố hóa, còn lại hơn 26 km là đê đất. Theo các chuyên gia, để chống chọi và bảo vệ được vùng đất bên trong, cần có nhiều giải pháp kết hợp như: trồng rừng phòng hộ hay đê bê tông kiên cố. Phải như thế thì mới có thể bảo vệ được nhà cửa, đất đai sinh kế của nhân dân bên trong.

Có đê là dân sống ổn

Từ những năm 80 của thế kỷ trước thì con đê "thủ công" ở biển Tây đã được hình thành, nhưng chủ yếu là ngăn thủy triều không tràn vào nhà cửa, chứ không thể thực hiện được sứ mệnh giữ đất, bảo vệ người dân. Mặc dù người dân chẳng ai muốn rời nơi chốn thân quen bao năm, nhưng ai cũng hiểu khi biển quay đầu tàn phá bờ bãi đất liền mà không có đê, không còn rừng phòng hộ thì khi sóng lớn, chẳng ai có thể gánh thay cho họ.

Bước vào mùa mưa bão năm nay, hệ thống đê biển lớn nhất cả nước tại tỉnh Cà Mau lại đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức do những biến động khó lường của thời tiết và do chưa được đầu tư đồng bộ. Những ngày này, các tổ công tác của tỉnh Cà Mau liên tục khảo sát để làm sao trước mùa mưa bão năm nay, hệ thống kè, đê biển, nhất là đê biển Tây được kiên cố hóa và kéo dài hơn.

Và chỉ những ai tận mắt thấy cảnh sóng biển chồm vào đất liền 4 - 5 cây số, rau màu, ruộng lúa của dân bị mất trắng thì mới hiểu được giá trị của việc kiên cố hóa đê biển Tây và chỉ có những con đê như thế đủ sức bảo vệ đất sống của dân. Dù dọc theo biển tây, nhiều nơi đã không còn rừng. Tuy nhiên, nhờ việc nâng cấp tuyến đê biển Tây, kết hợp xây dựng tuyến kè ngầm tạo bãi để khôi phục rừng, nhiều nơi màu xanh đã trở lại.

Một mùa mưa bão nữa lại đang tới gần, ở những nơi đã có đê biển kiên cố thì vẫn không thể chủ quan, nhưng rõ ràng có đê là lại có rừng và có rừng thì lại góp phần làm giảm áp lực sóng, che chở cho đê. Đó cũng là môi trường sinh kế của dân ven biển. Một viễn cảnh đẹp về một vùng rừng biển yên bình, có đê che chắn mưu sinh dần hiện diện.

Đê biển Tây - gian nan cuộc chiến giữ đất sống - Ảnh 3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước